Phường Phan Thiết tỉnh Lâm Đồng được sáp nhập từ những phường nào?
Nội dung chính
Phường Phan Thiết tỉnh Lâm Đồng được sáp nhập từ những phường nào?
Căn cứ khoản 112 Điều 1 Nghị quyết 1671/NQ-UBTVQH15 năm 2025 quy định như sau:
Điều 1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng
[...]
111. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Thanh Hải, Phú Hài và Phú Thủy thành phường mới có tên gọi là phường Phú Thủy.
112. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Phú Trinh, Lạc Đạo và Bình Hưng thành phường mới có tên gọi là phường Phan Thiết.
113. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Đức Long và xã Tiến Thành thành phường mới có tên gọi là phường Tiến Thành.
[...]
Theo đó, từ ngày 01/7/2025, phường Phan Thiết (tỉnh Lâm Đồng) được sáp nhập từ các phường bao gồm phường Phú Trinh, phường Lạc Đạo và phường Bình Hưng.
Như vậy, phường Phan Thiết mới hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 3 đơn vị hành chính cấp xã cũ nêu trên.
Sau khi sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng có 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 103 xã, 20 phường, 01 đặc khu; trong đó có 99 xã, 20 phường, 01 đặc khu hình thành sau sắp xếp và 04 xã không thực hiện sắp xếp là các xã Quảng Hòa, Quảng Sơn, Quảng Trực, Ninh Gia.
Phường Phan Thiết tỉnh Lâm Đồng được sáp nhập từ những phường nào? (Hình từ Internet)
Phân cấp cho chính quyền địa phương năm 2025 được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương như sau:
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc Hội đồng nhân dân cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ công, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
- Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, cá nhân phân cấp. Cơ quan, cá nhân phân cấp chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp có đề nghị và tự bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
- Cơ quan, cá nhân phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp trong trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp có quyền tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản phân cấp; đề nghị cơ quan, cá nhân phân cấp điều chỉnh nội dung phân cấp; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan, cá nhân phân cấp về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; định kỳ báo cáo, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân cấp.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương được đề xuất với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phân cấp cho mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng nếu đáp ứng các yêu cầu về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác.
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi nhận được nội dung đề xuất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại khoản 5 Điều này có trách nhiệm xem xét, giải quyết; trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trường hợp cần phải thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền đang được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mới thực hiện được việc phân cấp theo quy định tại Điều này thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh các quy định đó tại văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp do mình ban hành để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, bảo đảm yêu cầu về cải cách hành chính theo hướng giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết thủ tục đang áp dụng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc công khai thủ tục hành chính có thay đổi, điều chỉnh quy định tại khoản này theo quy định của pháp luật và sau đó có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về ngành, lĩnh vực có liên quan về việc điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp tại địa phương mình.