Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở có những hình thức nào?

Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở có những hình thức nào? Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có quyền thế chấp toàn bộ dự án để vay vốn không?

Nội dung chính

    Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở có những hình thức nào?

    Căn cứ theo điểm khoản 1 Điều 30 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Hình thức phát triển nhà ở
    1. Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
    a) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở độc lập hoặc 01 cụm công trình nhà ở;
    b) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc 01 cụm công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp;
    c) Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đồng bộ việc xây dựng nhà ở với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác phục vụ nhu cầu ở;
    d) Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở;
    đ) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở;
    e) Dự án sử dụng đất kết hợp đa mục đích mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở.
    2. Cá nhân phát triển nhà ở theo quy định tại Mục 5 Chương này.

    Theo như quy định trên thì phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm các hình thức sau:

    - Dự án xây dựng công trình nhà ở độc lập hoặc cụm công trình nhà ở.

    - Dự án xây dựng công trình nhà ở hoặc cụm công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.

    - Dự án xây dựng khu nhà ở đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

    - Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng.

    - Dự án xây dựng khu đô thị có nhà ở.

    - Dự án sử dụng đất đa mục đích có diện tích dành cho xây dựng nhà ở.

    Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở có những hình thức nào?

    Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở có những hình thức nào? (Hình ảnh từ internet)

    Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có quyền thế chấp toàn bộ dự án để vay vốn không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 183 Luật Nhà ở 2023 như sau:

    Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
    1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án đó hoặc xây dựng nhà ở đó; việc thế chấp dự án hoặc nhà ở phải bao gồm cả thế chấp quyền sử dụng đất.
    ...

    Theo như quy định trên thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quyền thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án, bao gồm cả quyền sử dụng đất, tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư và xây dựng nhà ở.

    Các yêu cầu cần có đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở được quy định ra sao?

    Căn cứ theo Điều 33 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở
    1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này phải bảo đảm các yêu cầu chung sau đây:
    a) Phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, tuân thủ nội dung của chủ trương đầu tư đã được quyết định hoặc chấp thuận và đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 5 của Luật này; triển khai thực hiện theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt;
    b) Việc phân chia các dự án thành phần (nếu có), phân kỳ đầu tư phải được xác định trong chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, quyết định đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng;
    c) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có nhu cầu đặt tên dự án, tên các khu vực trong dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, tên tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được nêu trong chủ trương đầu tư hoặc nội dung dự án đã được phê duyệt, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng;
    d) Nội dung dự án đã được phê duyệt phải được chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thực hiện đầy đủ; trường hợp điều chỉnh nội dung dự án mà phải điều chỉnh chủ trương đầu tư thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật trước khi điều chỉnh nội dung dự án;
    đ) Việc nghiệm thu, bàn giao nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo dự án phải được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm chất lượng, an toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Tại khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì còn phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;
    e) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở có áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh hoặc đô thị thông minh thì phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật; đối với nhà chung cư thì còn phải thiết kế lắp đặt hệ thống hạ tầng viễn thông, thông tin theo quy định của pháp luật.

    Như vậy dự án đầu tư xây dựng nhà ở khi thực hiện cần phải bảo đảm các yêu cầu được nêu như trên.

    7