Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là gì? Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư khác nhau thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là gì? Sự khác nhau giữ phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư? Khi nào nhà chung cư phải thành lập Ban quản trị?

Nội dung chính

    Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là gì?

    Căn cứ khoản 20 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 về giải thích từ ngữ quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    20. Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là phần diện tích trong căn hộ hoặc trong phần diện tích không phải là căn hộ trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và trang thiết bị sử dụng riêng trong căn hộ hoặc trong phần diện tích không phải là căn hộ của chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của Luật này.
    ...

    Như vậy, phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm diện tích căn hộ hoặc các khu vực không phải căn hộ trong nhà chung cư, được xác định là sở hữu riêng của chủ sở hữu theo quy định của Luật Nhà ở 2023.

    Ngoài ra, phần sở hữu riêng này còn bao gồm các trang thiết bị phục vụ cho việc sử dụng riêng trong căn hộ hoặc trong các khu vực không phải căn hộ của chủ sở hữu.

    Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là gì? Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư khác nhau thế nào?

    Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là gì? Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư khác nhau thế nào? (Hình từ Internet)

    Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư khác nhau thế nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 142 Luật Nhà ở 2023 về phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư quy định như sau:

    Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư
    1. Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm:
    a) Phần diện tích trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;
    b) Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;
    c) Hệ thống trang thiết bị sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư, trừ các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu chung quy định tại khoản 2 Điều này.
    2. Phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm:
    a) Phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 1 Điều này; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư;
    b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị sử dụng chung trong nhà chung cư bao gồm: khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật và tường bao hộp kỹ thuật (nếu có), hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;
    ...

    Theo đó, phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư khác nhau ở các yếu tố sau:

    - Phần sở hữu riêng:

    + Bao gồm diện tích trong căn hộ, cả ban công và lô gia liên kết với căn hộ đó.

    + Các khu vực khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

    + Hệ thống trang thiết bị phục vụ riêng, như các thiết bị gắn liền với căn hộ hoặc các khu vực thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu. Các thiết bị này không bao gồm trang thiết bị thuộc sở hữu chung.

    - Phần sở hữu chung:

    + Bao gồm diện tích còn lại của nhà chung cư không thuộc phần sở hữu riêng. Ví dụ: khu sinh hoạt cộng đồng.

    + Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực (như khung, cột, tường chịu lực), hệ thống kỹ thuật, và các tiện ích sử dụng chung cho tất cả cư dân, như hệ thống thang máy, hành lang, cầu thang bộ, lối thoát hiểm, và hệ thống cấp điện, nước, ga, thoát nước, phòng cháy chữa cháy.

    - Điểm khác biệt chính là phần sở hữu riêng phục vụ nhu cầu của từng chủ sở hữu cụ thể và được công nhận riêng lẻ, trong khi phần sở hữu chung bao gồm các khu vực và hệ thống cần thiết cho sự vận hành của cả tòa nhà và dành cho tất cả các cư dân sử dụng.

    Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên có phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư không?

    Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 146 Luật Nhà ở 2023 về Ban quản trị nhà chung cư quy định như sau:

    Ban quản trị nhà chung cư
    ...
    2. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.
    ...

    Như vậy, đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư.

    151
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ