Nước dưới đất là gì? Những khu vực nào cấm và bị hạn chế khai thác nước dưới đất?
Nội dung chính
Nước dưới đất là gì? Ngưỡng khai thác nước dưới đất là gì?
Căn cứ vào khoản 4 Điều 2 Luật Tài nguyên nước 2023 thì nước dưới đất được hiểu là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển.
Theo đó, khoản 19 Điều 2 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định về ngưỡng khai thác nước dưới đất như sau:
Ngưỡng khai thác nước dưới đất là giới hạn cho phép khai thác nước dưới đất nhằm bảo đảm không gây xâm nhập mặn, suy thoái nguồn nước, cạn kiệt nguồn nước, sụt, lún đất, tác động xấu đến nguồn nước và môi trường.
Nước dưới đất là gì? Những khu vực nào cấm và bị hạn chế khai thác nước dưới đất ?( Hình từ Internet)
Những vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước 2023 được hướng dẫn bởi Điều 33 Nghị định 53/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Phân loại vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất
1. Vùng cấm khai thác nước dưới đất được khoanh định đối với khu vực đã xảy ra sụt, lún đất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước.
2. Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm các vùng sau đây:
a) Vùng hạn chế 1 bao gồm khu vực có nguy cơ sụt, lún đất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước; khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn quy định tại điểm c khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước.
Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất là vùng liền kề với khu vực đã xảy ra sụt, lún đất quy định tại khoản 1 Điều này; khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn là vùng liền kề với khu vực bị nhiễm mặn có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan từ 1.500 mg/l trở lên;
b) Vùng hạn chế 2 bao gồm khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước.
Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất là khu vực có mực nước động trung bình tại giếng khai thác trong 06 tháng mùa khô suy giảm trong 03 năm liên tục và vượt quá 95% giới hạn mực nước khai thác của tầng chứa nước quy định tại khoản 2 Điều 32 của Nghị định này, trừ trường hợp giếng khoan khai thác bị suy thoái nghiêm trọng dẫn đến mực nước động bị hạ thấp quá mức.
c) Vùng hạn chế hỗn hợp là các khu vực chồng lấn của Vùng hạn chế 1 và Vùng hạn chế 2.
Theo đó, việc xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan và được xem xét, khoanh định tại các khu vực sau đây:
- Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất;
- Khu vực đã xảy ra sụt, lún đất hoặc có nguy cơ sụt, lún đất;
- Khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải xác định được những khu vực nào?
Căn cứ vào khoản 7 Điều 31 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định như sau:
Bảo vệ nước dưới đất
...
7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải ban hành trong thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và được xem xét, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc điều chỉnh đột xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn nước.
Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải xác định được các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần bảo vệ, phục hồi; khu vực cần khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án khai thác nước dưới đất; khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất.
Theo đó, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải xác định được những khu vực sau đây:
- Khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần bảo vệ, phục hồi;
- Khu vực cần khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;
- Khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất;
Đồng thời, phải xác định được phương án khai thác nước dưới đất; giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất.