Nội dung tối thiểu khi thỏa thuận vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng được quy định như thế nào?

Nội dung tối thiểu khi thỏa thuận vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Nội dung tối thiểu khi thỏa thuận vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng được quy định như thế nào?

    Tại Điều 4 Thông tư 45/2018/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 12/02/2019, quy định:

    Thỏa thuận phối hợp giữa bên cho vay và Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

    - Trình tự phối hợp giữa các bên trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ (thẩm định độc lập, phối hợp thẩm định, thành lập tổ thẩm định chung,...), cho vay và giải ngân đối với khoản vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng (thời gian, số tiền, hình thức cho vay...).

    - Các nội dung quy định tại Chứng thư bảo lãnh theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, trong đó thỏa thuận cụ thể về các biện pháp thu hồi nợ, thời hạn tối đa bên cho vay phải thực hiện sau khi khách hàng không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên cho vay và phương thức chứng minh đã thực hiện các biện pháp này trước khi thông báo cho Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

    - Các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh (bên cho vay) theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.

    - Việc phối hợp và quy trình kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay để đảm bảo việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay theo đúng cam kết tại hợp đồng tín dụng và làm căn cứ để Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi phát sinh.

    - Phối hợp trong việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, các trường hợp dừng giải ngân vốn vay, thu hồi nợ trước hạn khi khách hàng vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, vi phạm Hợp đồng bảo lãnh tín dụng hoặc có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.

    - Quy định cụ thể các trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng được quyền không thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh và thời hạn Quỹ bảo lãnh tín dụng gửi thông báo không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 31 và Điều 32 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.

    - Thỏa thuận về chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm bao gồm:

    + Việc chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh trong trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 và điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP;

    + Việc xử lý tài sản bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh trong trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng không thực hiện một phần nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan;

    + Việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản này bảo đảm chung cho khoản vay và khoản bảo lãnh trước khi Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.

    - Các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

     

    5