Nhà tu hành có được nhận tặng cho sổ đỏ không?
Nội dung chính
Nhà tu hành là gì?
Theo khoản 7 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.
Như vậy, Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường là theo các giáo lý của tôn giáo, nhằm tìm kiếm sự giác ngộ, thanh tịnh và thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian. Họ có thể sống trong các tu viện, chùa chiền, hoặc các cộng đồng tu hành, tuân thủ các nghi thức và quy định nhất định của tôn giáo mà họ theo. Nhà tu hành thường tập trung vào việc thiền định, cầu nguyện, học hỏi kinh sách, và thực hành các đức hạnh như từ bi, khiêm nhường, và thanh tịnh.
Nhà tu hành có được nhận tặng cho sổ đỏ không? (Hình ảnh từ Internet)
Tặng cho sổ đỏ có phải là hình thức chuyển quyền sử dụng đất không?
Theo Bộ luật Dân sự 2015 thì tặng cho là một giao dịch dân sự, thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
“Sổ đỏ” là từ mà người dân thường dùng để gọi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". Hiện nay, theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Tặng cho sổ đỏ được hiểu là tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Cũng tại khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Như vậy, tặng cho sổ đỏ là một trong các hình thức chuyển quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Nhà tu hành có được nhận tặng cho sổ đỏ không?
Cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 thì mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
Như vậy, về nguyên tắc nhà tu hành cũng là công dân và được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, được hưởng quyền tài sản một cách toàn vẹn mà không phải chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
Tại Điều 12 Luật Đất đai 2024 thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân; do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và quản lý. Các tổ chức cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất khi được nhà nước giao; hoặc cho thuê theo quy định pháp luật. Vì vậy, quyền sử dụng đất cũng được coi như là một quyền tài sản; người đứng tên sổ đỏ chính là người có những quyền của người sử dụng đất hợp pháp.
Cũng theo khoản 5 Điều 23 Luật Đất đai2024 thì công dân có quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì nhà tu hành vẫn được hưởng quyền và lợi ích theo quy định pháp luật, theo đó nếu nhà tu hành đáp ứng đủ điều kiện nhận tặng cho quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024 thì nhà tu hành vẫn được nhận tặng cho quyền sử dụng đất (nhận tặng cho sổ đỏ).