Nhà thầu thiết kế xây dựng có phải giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công?

Nhà thầu thiết kế xây dựng có phải giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công? Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Nhà thầu thiết kế xây dựng có phải giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công?

    Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 86 Luật Xây dựng 2014 quy định:

    Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình
    ...
    2. Nhà thầu thiết kế xây dựng có các nghĩa vụ sau:
    a) Chỉ được nhận thầu thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề thiết kế xây dựng;
    b) Tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình; lập hồ sơ thiết kế xây dựng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, bước thiết kế, quy định của hợp đồng thiết kế xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan;
    c) Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết kế do mình đảm nhận trong đó bao gồm nội dung quy định tại Điều 79 và Điều 80 của Luật này; chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế của nhà thầu phụ (nếu có). Nhà thầu phụ khi tham gia thiết kế xây dựng phải chịu trách nhiệm về kết quả thiết kế trước nhà thầu chính và trước pháp luật;
    d) Giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công xây dựng;
    ...

    Như vậy, nhà thầu thiết kế xây dựng có nghĩa vụ giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công.

    Nhà thầu thiết kế xây dựng có phải giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công?

    Nhà thầu thiết kế xây dựng có phải giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công? (Ảnh từ Internet)

    Cơ quan chuyên môn về xây dựng có quyền mời tổ chức khác tham gia thẩm định thiết kế xây dựng không?

    Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 87 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:

    Quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng
    1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có các quyền sau:
    a) Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân lập, thẩm tra thiết kế xây dựng cung cấp, giải trình, làm rõ các thông tin khi cần thiết làm cơ sở cho công tác thẩm định theo quy định;
    b) Yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra; mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định khi cần thiết;
    c) Bảo lưu kết quả thẩm định, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm định hoặc các yêu cầu vượt quá năng lực, phạm vi công việc thẩm định.
    ...

    Như vậy, cơ quan chuyên môn về xây dựng có quyền mời tổ chức khác có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định thiết kế xây dựng

    Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 33 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:

    Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng
    1. Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng được quy định như sau:
    a) Hồ sơ thiết kế xây dựng được lập cho từng công trình bao gồm: thuyết minh thiết kế, bản tính, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng công trình, chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình xây dựng (nếu có);
    b) Bản vẽ thiết kế xây dựng phải có kích cỡ, tỷ lệ, khung tên được thể hiện theo các tiêu chuẩn áp dụng trong hoạt động xây dựng. Trong khung tên từng bản vẽ phải có tên, chữ ký của người trực tiếp thiết kế, người kiểm tra thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế. Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế xây dựng phải xác nhận vào hồ sơ và đóng dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng là tổ chức;
    c) Các bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế xây dựng, dự toán phải được đóng thành tập hồ sơ theo khuôn khổ thống nhất, được lập danh mục, đánh số, ký hiệu để tra cứu và bảo quản lâu dài;
    d) Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về quy cách, nội dung hồ sơ thiết kế xây dựng tương ứng với từng bước thiết kế xây dựng.
    2. Chỉ dẫn kỹ thuật được quy định như sau:
    a) Chỉ dẫn kỹ thuật là cơ sở để thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng. Chỉ dẫn kỹ thuật do nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác được chủ đầu tư thuê lập. Chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt là một thành phần của hồ sơ mời thầu thi công xây dựng, làm cơ sở để quản lý thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình;
    b) Chỉ dẫn kỹ thuật phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình xây dựng được phê duyệt và yêu cầu của thiết kế xây dựng;
    c) Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác thực hiện lập riêng chỉ dẫn kỹ thuật đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II. Đối với các công trình còn lại, chỉ dẫn kỹ thuật có thể được lập riêng hoặc quy định trong thuyết minh thiết kế xây dựng.
    3. Hồ sơ thiết kế xây dựng là thành phần của hồ sơ hoàn thành công trình và phải được lưu trữ theo quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật về lưu trữ.

    Như vậy, quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng được quy định như trên.

    10