Nhà ở có bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy không theo quy định Luật mới nhất 2025?

Nhà ở tại những nơi nào bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy? Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hiện nay? Thiết kế về phòng cháy chữa cháy được thẩm định như thế nào?

Nội dung chính

    Nhà ở tại những nơi nào bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy?

    Theo khoản 5 Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025:

    - Đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương mà thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định thì phải trang bị:

    + Bình chữa cháy

    + Thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định. Việc trang bị thiết bị này phải được thực hiện chậm nhất từ 01/7/2027.

    - Đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

    Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương sẽ xác định khu vực nào không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy.

    Như vậy, những địa điểm nêu trên thuộc trường hợp bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy đối với nhà ở.

    Nhà ở có bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy không theo quy định Luật mới nhất 2025? (hình từ internet)

    Nhà ở có bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy không theo quy định Luật mới nhất 2025? (hình từ internet)

    Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hiện nay?

    Theo Điều 25 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định như sau:

    (1) Phạm vi bảo hiểm:

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 67/2023/NĐ-CP phát sinh từ rủi ro cháy, nổ, trừ các trường hợp quy định tại (2), (3) dưới đây.

    (2) Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy (trừ cơ sở hạt nhân): Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

    - Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên.

    - Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.

    - Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    - Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

    - Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

    - Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

    - Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

    - Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.

    - Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

    - Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.

    (3) Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

    Theo đó, quy định trên nêu rõ phạm vi bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

    Thiết kế về phòng cháy chữa cháy được thẩm định như thế nào?

    Căn cứ Điều 17 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.

    Thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
    1. Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình và phương tiện giao thông, trừ công trình tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng được quy định như sau:
    a) Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không thuộc diện thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
    b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với dự án thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình và thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng;
    c) Cơ quan đăng kiểm tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 16 của Luật này khi thực hiện thẩm định thiết kế theo quy định của pháp luật về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
    d) Cơ quan Công an tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thẩm định nội dung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 của Luật này đối với phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
    đ) Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình không thuộc diện phải thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an; tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình không thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an.
    2. Công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi điều chỉnh thiết kế mà làm thay đổi một trong các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này hoặc trong quá trình sử dụng mà thay đổi công năng hoặc cải tạo làm thay đổi điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải thực hiện điều chỉnh thiết kế, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Việc điều chỉnh thiết kế, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 và khoản 1 Điều 17 của Luật này.
    3. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông chỉ được tổ chức thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình và sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành.
    4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định danh mục công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm; quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; quy định trách nhiệm phối hợp trong thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

    Như vậy, nội dung liên quan đến việc thẩm định thiết kế về phòng cháy chữa cháy được quy định theo Điều trên. 

    Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ 01/7/2025

    22