Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định ra sao?

Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định ra sao? Các khoản chi phí được hạch toán trên các tài khoản bao gồm những chi phí nào?

Nội dung chính

    Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định ra sao?

    Theo quy định tại Điều 53 Thông tư 05/2019/TT-BTC, có hiệu lực ngày 01/04/2019, Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô như sau:

    - Chi phí là những khoản làm giảm lợi ích kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa.

    - Việc ghi nhận chi phí ngay cả khi chưa đến kỳ hạn thanh toán nhưng có khả năng chắc chắn sẽ phát sinh nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng và bảo toàn vốn. Chi phí và khoản doanh thu do nó tạo ra phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán phải căn cứ vào bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.

    - Các khoản chi phí không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.

    - Loại tài khoản này phản ánh các khoản chi phí của TCVM và bao gồm: chi hoạt động tín dụng; chi hoạt động dịch vụ; chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp; chi phí hoạt động khác; chi phí quản lý; chi phí dự phòng; chi phí khác.

    Cuối kỳ kế toán, số dư các tài khoản chi phí được lập chứng từ kết chuyển toàn bộ sang Tài khoản 001 “Xác định kết quả kinh doanh” và không còn số dư.

    - Trường hợp thanh lý, nhượng bán TSCĐ, giá trị hạch toán trên tài khoản này là toàn bộ phần chi phí liên quan đến thanh lý, nhượng bán TSCĐ, giá trị còn lại của TSCĐ thanh lý, nhượng bán sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm (nếu có- trong trường hợp tập thể, cá nhân có liên quan làm mất mát, hư hỏng tài sản hoặc tài sản được mua bảo hiểm). Tất cả các khoản thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ được hạch toán vào tài khoản doanh thu khác.

    - Các khoản chi phí được hạch toán trên các tài khoản:

    + Tài khoản 801 - Chi phí hoạt động tín dụng;

    + Tài khoản 811 - Chi phí hoạt động dịch vụ;

    + Tài khoản 831 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp;

    + Tài khoản 841 - Chi hoạt động khác;

    + Tài khoản 851 - Chi phí quản lý;

    + Tài khoản 881 - Chi phí dự phòng;

    + Tài khoản 891 - Chi phí khác.

    Trên đây là quy định về nguyên tắc kế toán các khoản chi phí áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô.

    Trân trọng!

    3