Người lao động đi làm vào ngày lễ sẽ được trả lương thế nào?Người lao động bị doanh nghiệp ép đi làm ngày lễ thì doanh nghiệp có bị phạt không?

Người lao động đi làm vào ngày lễ sẽ được trả lương thế nào?Người lao động bị doanh nghiệp ép đi làm ngày lễ thì doanh nghiệp có bị phạt không?

Nội dung chính


    Người lao động đi làm vào ngày lễ sẽ được trả lương thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 có quy định ngày nghỉ lễ, tết như sau:

    Nghỉ lễ, tết

    1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

    a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

    b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

    c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

    d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

    đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

    e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

    ...

    Theo đó, người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương vào các dịp lễ như: Ngày chiến thắng (30/4), Quốc tế lao động (01/05)...

    Tuy nhiên, nếu đi làm vào ngày nghỉ lễ thì người lao động sẽ được trả lương làm thêm giờ cao hơn so với lương của ngày bình thường.

    Đồng thời, tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc trả lương cho người lao động khi đi làm vào ngày nghỉ lễ cụ thể như sau:

    Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

    1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

    a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

    b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

    c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

    2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

    3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

    4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Theo đó, nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ sẽ được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày đối với người lao động hưởng lương ngày.

    Ngoài ra, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

    Bên cạnh đó, người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định thì người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

    Doanh nghiệp ép người lao động đi làm ngày lễ thì có bị phạt không? (Hình từ Internet)

    Doanh nghiệp ép người lao động đi làm ngày lễ thì có bị phạt không?

    Tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định về làm thêm giờ như sau:

    Làm thêm giờ

    ...

    2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

    a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

    b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

    c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

    ...

    Theo đó, đi làm vào ngày lễ được xem làm công việc làm thêm giờ nên khi công ty muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ trong những ngày này phải có sự đồng ý từ phía người lao động.

    Nếu công ty ép người lao động đi làm vào ngày lễ thì có thể bị xử phạt hành chính, cụ thể tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

    Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

    ...

    3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

    b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.

    Với trường hợp người sử dụng lao động tự ý huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 25 triệu đồng.

    Trường hợp trên áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm. Còn đối với tổ chức ở đây là công ty vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi, cụ thể số tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

    Thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi ép người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ là bao lâu?

    Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

    Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

    1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có nêu:

    Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

    1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

    a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

    Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

    Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

    ...

    Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cụ thể là hành vi ép người lao động làm việc vào này nghỉ lễ là 01 năm.

    12