Người dân có được xây nhà ở trên đất trồng lúa không?

Chuyên viên pháp lý Đỗ Hữu Hòa
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Có được xây nhà ở trên đất trồng lúa không? Xây nhà ở trên đất trồng lúa bị xử lý thế nào?

Nội dung chính

    Người dân có được xây nhà ở trên đất trồng lúa không?

    Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
    1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
    2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
    3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.
    4. Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.
    5. Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
    6. Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
    7. Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

    Căn cứ quy định trên, người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, trong khi đó đất ở và đất trồng lúa có mục đích sử dụng khác nhau. Vì vậy, không được phép xây nhà ở trên đất trồng lúa.

    Có được xây nhà trên đất trồng lúa không?

    Có được xây nhà ở trên đất trồng lúa không? (Hình từ Internet)

    Xây nhà ở trên đất trồng lúa bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Căn cứ quy định tại khoản 3, 4 Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định:

    Sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
    ...
    3. Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.
    4. Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai;
    b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Căn cứ quy định trên, xây nhà ở trên đất trồng lúa tùy vào diện tích và địa giới hành chính của xã hay của phường mà có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 400 triệu đồng.

    Lưu ý:

    - Các mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

    - Bên cạnh đó, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành thì không áp dụng mức phạt trên.

    - Mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi này không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Làm cách nào để chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở?

    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Chuyển mục đích sử dụng đất
    1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
    a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
    b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
    c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
    d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
    đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
    e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
    g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
    ...

    Căn cứ quy định trên, để chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở người sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Như vậy, để chuyển mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    285
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ