Người có thẩm quyền khắc phục hậu quả sau sự cố, tai nạn tại cơ quan Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ gì theo quy định?

Người có thẩm quyền khắc phục hậu quả sau sự cố, tai nạn tại cơ quan Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ gì? Chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ?

Nội dung chính

    Người có thẩm quyền khắc phục hậu quả sau sự cố, tai nạn tại cơ quan Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ gì theo quy định?

    Căn cứ Điều 19 Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Toà án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định 53/QĐ-TANDTC năm 2022 quy định về khắc phục hậu quả sau sự cố, tai nạn cơ quan Tòa án nhân dân tối cao như sau:

    Sau khi thực hiện cứu nạn cứu hộ, Trưởng Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao (đối với đơn vị có trụ sở riêng) hoặc người được ủy quyền chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ:

    - Tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ đối với người, phương tiện, tài sản (nếu có).

    - Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bảo vệ hiện trường để phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân sự cố, tai nạn.

    - Các nhiệm vụ tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thể được kết hợp thực hiện đồng thời trong quá trình cứu nạn cứu hộ.

    - Phối hợp với các cơ quan liên quan lập biên bản hiện trường sự cố, tai nạn. Sau khi có biên bản giám định hiện trường và sự đồng ý của cơ quan điều tra, nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do sự cố, tai nạn gây ra và khẩn trương phục hồi lại hoạt động.

    - Xác định sơ bộ các thiệt hại về người và tài sản.

    - Tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với cá nhân, bộ phận có liên quan và đưa ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, tai nạn tại cơ quan, đơn vị.

    - Báo cáo nhanh và Báo cáo đầy đủ về sự cố, tai nạn đến các cấp theo quy định.

    Người có thẩm quyền khắc phục hậu quả sau sự cố, tai nạn tại cơ quan Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ gì theo quy định? (Hình ảnh từ internet)

    Chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ quan Tòa án nhân dân tối cao như thế nào?

    Theo Điều 21 Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Toà án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định 53/QĐ-TANDTC năm 2022 quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:

    (1) Cán bộ, thành viên Ban Chỉ huy, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ quan được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và khi trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định của pháp luật.

    (2) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ bị hy sinh, bị thương hoặc tổn hại sức khoẻ thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.

    Xử lý vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ quan Tòa án nhân dân tối cao được quy định như thế nào?

    Theo Điều 23 Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Toà án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định 53/QĐ-TANDTC năm 2022 quy định về xử lý vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ quan Tòa án nhân dân tối cao như sau:

    (1) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; cản trở các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xâm phạm đến lợi ích của tập thể, tính mạng và tài sản của người khác thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    (2) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để xảy ra cháy, sự cố, tai nạn tại đơn vị mình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Chế độ báo cáo về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan Tòa án nhân dân tối cao ra sao?

    Tại Điều 23 Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Toà án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định 53/QĐ-TANDTC năm 2022 quy định về chế độ báo cáo về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan Tòa án nhân dân tối cao như sau:

    (1) Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao tham mưu thực hiện các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan Công an quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

    (2) Hàng năm, trước ngày 30/11 hoặc đột xuất theo yêu cầu, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao có trụ sở riêng ngoài trụ sở số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội có trách nhiệm báo cáo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của đơn vị về Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao để tổng hợp và báo cáo Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan Công an theo quy định.

    (3) Khi xảy ra sự cố cháy, tai nạn, đơn vị xảy ra sự cố lập báo cáo nhanh gửi Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan Công an quản lý trực tiếp địa bàn. Sau khi hoàn tất việc xử lý các nội dung liên quan đến sự cố, đơn vị lập báo cáo cụ thể, chi tiết vụ việc gửi Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

    13