Nếu kinh doanh trái phép trong khu vực nhà chung cư sẽ bị xử lý như thế nào?
Nội dung chính
Nếu kinh doanh trái phép trong khu vực nhà chung cư sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về sử dụng nhà chung cư như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình;
b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;
c) Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;
d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;
đ) Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;
e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Theo đó, đối với các hành vi kinh doanh trái phép trong khu vực nhà chung cư thì người sử dụng nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể:
- Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư
- Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Nếu kinh doanh trái phép trong khu vực nhà chung cư sẽ bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Quản lý, sử dụng nhà chung cư cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về các nguyên tắc trong quản lý, sử dụng nhà chung cư bao gồm:
- Sử dụng đúng mục đích: Nhà chung cư phải được sử dụng đúng công năng, mục đích thiết kế, và theo nội dung dự án đã được phê duyệt.
- Thỏa thuận tuân thủ pháp luật: Quản lý và sử dụng nhà chung cư dựa trên sự cam kết, thỏa thuận tự nguyện giữa các bên, nhưng phải tuân thủ pháp luật về nhà ở và các quy định liên quan, đồng thời đảm bảo phù hợp với đạo đức xã hội.
- Đóng và sử dụng kinh phí:
+ Việc đóng kinh phí quản lý, vận hành dựa trên thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và đơn vị quản lý, tuân theo quy định pháp luật về nhà ở.
+ Các khoản chi bao gồm: kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành, kinh phí hoạt động của Ban quản trị và các phí, lệ phí khác phục vụ việc sử dụng chung cư.
+ Kinh phí quản lý, bảo trì phần sở hữu chung phải được sử dụng đúng mục đích, minh bạch và công khai.
- Vai trò của Ban quản trị:
+ Ban quản trị đại diện chủ sở hữu và người sử dụng để thực hiện quyền và trách nhiệm quản lý, sử dụng chung cư theo quy định pháp luật.
+ Trường hợp không cần thành lập Ban quản trị, các chủ sở hữu, người sử dụng sẽ tự thỏa thuận phương án quản lý.
- Giải quyết tranh chấp: Mọi tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng chung cư được xử lý theo Luật Nhà ở và các quy định pháp luật liên quan.
- Xử lý vi phạm: Các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng chung cư phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh theo quy định pháp luật.
- Ứng dụng công nghệ: Khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, sử dụng chung cư, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhà chung cư có cần có Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:
Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư
1. Các nhà chung cư thuộc phạm vi áp dụng của Quy chế này đều phải có Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Quy định áp dụng đối với chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào nhà chung cư;
b) Các nội dung không được thực hiện trong quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư; các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử, an ninh trật tự trong nhà chung cư;
c) Quy định về việc sử dụng phần sở hữu chung của nhà chung cư;
d) Quy định về việc sửa chữa các hư hỏng, thay đổi thiết bị trong phần sở hữu riêng và việc xử lý khi có sự cố trong nhà chung cư;
đ) Quy định về phòng, chống cháy nổ trong nhà chung cư;
e) Quy định về việc công khai các thông tin có liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư;
g) Quy định về các nghĩa vụ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong đó có việc đóng kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định và các biện pháp xử lý trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ này;
h) Các quy định khác tùy thuộc vào đặc điểm của từng nhà chung cư.
…
Theo đó, các nhà chung cư bắt buộc phải có Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư và Bản nội quy cần phải có các nội dung được quy định trên.