Nếu Ban quản trị nhà chung cư không lập kế hoạch bảo trì hằng năm sẽ bị phạt như thế nào?
Nội dung chính
Nếu Ban quản trị nhà chung cư không lập kế hoạch bảo trì hằng năm sẽ bị phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức phạt hành chính đối với hành vi không lập kế hoạch bảo trì nhà chung cư hằng năm như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với ban quản trị nhà chung cư
…
2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định;
b) Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung;
c) Tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư;
d) Không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định;
đ) Thực hiện sai quy chế hoạt động hoặc quy chế thu chi tài chính đã được hội nghị nhà chung cư thông qua;
e) Không lập tài khoản để nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của cả tòa chung cư theo quy định;
g) Không thông báo công khai trên bảng tin của nhà chung cư về các khoản chi từ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định;
h) Không lập kế hoạch bảo trì hằng năm hoặc lập kế hoạch bảo trì hằng năm không đầy đủ nội dung theo quy định.
...
Như vậy, khi Ban quản trị nhà chung cư không lập kế hoạch bảo trì hằng năm sẽ bị phạt hành chính từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về hình thức xử phạt và mức phạt đối với cá nhân và tổ chức như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
...
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
...
c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, vì ban quản trị nhà chung cư là tổ chức nên mức phạt tiền bằng mức khung hình phạt, tức mức phạt hành chính sẽ từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.
Nếu Ban quản trị nhà chung cư không lập kế hoạch bảo trì hằng năm sẽ bị phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Để trở thành thành viên Ban quản trị nhà chung cư cần đáp ứng các yêu cầu gì?
Để trở thành thành viên Ban quản trị nhà chung cư cần đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 20 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:
Yêu cầu đối với thành viên Ban quản trị
1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập Ban quản trị; thành viên Ban quản trị bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án không cử đại diện tham gia Ban quản trị.
Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thành viên Ban quản trị là đại diện chủ sở hữu và người đang sử dụng nhà chung cư.
2. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị theo quy định tại Điều 23 của Quy chế này thì trong thời hạn không quá 03 tháng, kể từ ngày được công nhận, các thành viên Ban quản trị phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.
3. Khuyến khích người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật, phòng cháy, chữa cháy tham gia Ban quản trị. Trường hợp thành viên Ban quản trị là người nước ngoài thì phải là người sử dụng được tiếng Việt trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Ban quản trị.
Theo đó, đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên, Ban quản trị phải bao gồm đại diện các chủ sở hữu và người sử dụng, cùng với đại diện của chủ đầu tư nếu họ còn sở hữu diện tích.
Nếu nhà chung cư chỉ có một chủ sở hữu, thành viên Ban quản trị sẽ là đại diện của chủ sở hữu và người đang sử dụng.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận, các thành viên Ban quản trị phải tham gia khóa đào tạo chuyên môn trong vòng 3 tháng và nhận Giấy chứng nhận hoàn thành.
Ban quản trị khuyến khích những người có kinh nghiệm trong xây dựng, tài chính, pháp luật, và phòng cháy chữa cháy tham gia. Nếu có thành viên là người nước ngoài, họ phải biết tiếng Việt để thực hiện nhiệm vụ.
Số lượng, thành phần Ban quản trị nhà chung cư được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về số lượng, thành phần Ban quản trị nhà chung cư được quy định như sau:
- Số lượng thành viên:
+ Đối với tòa nhà chỉ có một khối độc lập, Ban quản trị phải có ít nhất 3 thành viên. Nếu tòa nhà có nhiều khối, mỗi khối cần có ít nhất 1 thành viên.
+ Đối với một cụm nhà chung cư, Ban quản trị cần có tối thiểu 6 thành viên.
+ Ban quản trị sẽ bao gồm 1 Trưởng ban, 1 hoặc 2 Phó ban, và các thành viên khác do Hội nghị quyết định.
- Thành phần Ban quản trị:
+ Ban quản trị tòa nhà gồm 1 Trưởng ban, 1 hoặc 2 Phó ban, và các thành viên khác sống trong tòa nhà. Thành viên này do Hội nghị nhà chung cư bầu.
+ Nếu chủ đầu tư còn sở hữu phần diện tích trong tòa nhà, họ có thể cử đại diện tham gia Ban quản trị. Người này có thể được bầu làm Trưởng ban hoặc Phó ban mà không cần phải bầu thêm.
+ Ban quản trị của cụm nhà chung cư cũng gồm 1 Trưởng ban. Mỗi tòa nhà trong cụm sẽ họp để cử 1 hoặc 2 đại diện làm Phó ban. Nếu chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong cụm, họ có thể cử đại diện làm Trưởng ban quản trị.