Mức phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không có thang máy và có thang máy tại TPHCM có khác nhau không?
Nội dung chính
Mức phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không có thang máy và có thang máy tại TPHCM có khác nhau không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 86/2024/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh về khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư như sau:
- Nhà chung cư không có thang máy: có mức giá dịch vụ tối thiểu là 600 đồng/m2 thông thủy/tháng và mức giá dịch vụ tối đa là 3.500 đồng/m2 thông thủy/tháng.
- Nhà chung cư có thang máy: có mức giá dịch vụ tối thiểu là 1/800 đồng/m2 thông thủy/tháng và mức giá dịch vụ tối đa là 7.000 đồng/m2 thông thủy/tháng.
Như vậy, mức phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư đối với nhà chung cư có thang máy và không có thang máy chênh lệch với nhau vô cùng rõ ràng. Mức giá dịch vụ quản lý vận hành tối thiểu đối với nhà chung cư có thang máy gấp 3 lần nhà chung cư không có thang máy. Đồng thời, mức giá dịch vụ quản lý vận hành tối đa đối với nhà chung cư có thang máy gấp 2 lần nhà chung cư không có thang máy
Lưu ý: Mức giá trong khung giá quy định này không bao gồm kinh phí mua bảo hiểm cháy, nổ, kinh phí bảo trì, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc, thù lao cho Ban quản trị nhà chung cư và chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và chưa bao gồm thuế suất giá trị gia tăng (nếu có).
Mức phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không có thang máy và có thang máy tại TPHCM có khác nhau không? (Hình từ Internet)
Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư có các nội dung gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư các các nội dung sau đây:
Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư
…
3. Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư có các nội dung sau đây:
a) Họ tên, địa chỉ, người đại diện tham gia ký kết hợp đồng;
b) Quy mô, diện tích các bộ phận trong và ngoài nhà chung cư thuộc phần sở hữu chung cần quản lý vận hành;
c) Nội dung và yêu cầu về chất lượng, thời gian, địa điểm cung cấp dịch vụ quản lý vận hành;
d) Giá dịch vụ quản lý vận hành tính theo đơn vị mét vuông (m2) sử dụng; phương thức đóng các khoản phí;
đ) Thời hạn thực hiện hợp đồng dịch vụ;
e) Các trường hợp chấm dứt hợp đồng, thời gian và trách nhiệm thông báo của các bên trước khi chấm dứt hợp đồng;
g) Quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm phối hợp của các bên; việc xử lý các tranh chấp về nội dung của hợp đồng;
h) Các thỏa thuận khác;
i) Hiệu lực của hợp đồng.
Theo đó, hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư có các nội dung được quy định trên.
Đối với nhà chung cư thuộc tài sản công thì đơn vị quản lý vận hành có các quyền và trách nhiệm gì?
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thuộc tài sản công có những quyền và trách nhiệm được quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 95/2024/NĐ-CP sau đây:
- Tiếp nhận và quản lý quỹ nhà: Đơn vị được giao quỹ nhà ở từ cơ quan có thẩm quyền (theo Điều 14 của Luật Nhà ở 2023 và Điều 58 Nghị định 95/2024/NĐ-CP) để quản lý và vận hành theo quy định.
- Cho thuê và quản lý sử dụng nhà: Đơn vị thực hiện việc cho thuê và quản lý sử dụng nhà ở, dựa trên nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng dịch vụ ký với cơ quan quản lý nhà ở.
- Quản lý diện tích chưa bán: Quản lý phần diện tích nhà ở chưa bán trong khu nhà thuộc tài sản công.
- Kinh phí phục vụ quản lý: Được phép trích một phần từ tiền thuê nhà (theo Điều 60 Nghị định 95/2024/NĐ-CP) để phục vụ công tác quản lý và vận hành nhà ở.
- Lưu trữ hồ sơ: Tập hợp và lưu trữ hồ sơ liên quan đến quá trình xây dựng, vận hành, bảo trì, cải tạo nhà ở. Nếu thiếu hồ sơ, đơn vị có trách nhiệm bổ sung và giao hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà ở lưu trữ.
- Bảo trì, cải tạo nhà ở: Thực hiện bảo trì, cải tạo nhà ở khi được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.
- Giám sát và xử lý vi phạm: Kiểm tra, theo dõi, phát hiện vi phạm và đề xuất xử lý với cơ quan có thẩm quyền. Cũng như thực hiện thu hồi nhà ở khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Đảm bảo an ninh, trật tự: Phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương để bảo vệ an ninh, trật tự cho người thuê, thuê mua, và sử dụng nhà ở.
- Báo cáo định kỳ và đột xuất: Tổng hợp và báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng nhà ở, theo yêu cầu định kỳ hoặc đột xuất (theo Điều 61 Nghị định 95/2024/NĐ-CP).
- Quản lý tài chính: Thực hiện báo cáo thu chi tài chính liên quan đến công tác quản lý vận hành nhà ở và các trách nhiệm tài chính khác theo quy định của pháp luật.