Mức phí bảo hiểm cháy nổ chung cư 5 tầng trở lên được tính như thế nào?
Nội dung chính
Mức phí bảo hiểm cháy nổ chung cư 5 tầng trở lên được tính như thế nào?
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP, nhà chung cư cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 phải mua bảo hiểm cháy nổ.
Tuy nhiên, Căn cứ Phụ lục VII về Danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ban hành kèm theo Nghị định 105/2025/NĐ-CP quy định như sau:
1. Nhà chung cư, nhà ở tập thể có nhà cao từ 5 tầng trở lên hoặc tổng diện tích sàn từ 1.000 m² trở lên.
[...]
Theo đó, nhà chung cư 05 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích sàn từ 1000 m2 trở lên sẽ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc từ ngày 01/7/2025.
Theo công thức tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 105/2025/NĐ-CP Mức phí bảo hiểm cháy nổ tối thiểu mà nhà chung cư 5 tầng trở lên phải chịu được xác định như sau:
Mức phí bảo hiểm tối thiểu = Số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân (x) Tỷ lệ phí bảo hiểm tối thiểu
Căn cứ vào từng loại hình cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tỷ lệ phí bảo hiểm không thấp hơn tỷ lệ phí bảo hiểm tối thiểu sau:
- Tỷ lệ phí bảo hiểm tối thiểu của nhà chung cư, nhà ở tập thể, nhà đa năng hoặc hỗn hợp trừ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) là 0,05%/năm;
- Tỷ lệ phí bảo hiểm tổi thiểu của nhà chung cư, nhà ở tập thể, nhà đa năng hoặc hỗn hợp trừ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, không có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) là 0,1%/năm.
Trường hợp thời hạn bảo hiểm khác 01 năm, mức phí bảo hiểm cháy nổ được tính dựa trên phí bảo hiểm nêu trên và tương ứng với thời hạn được bảo hiểm. Cách tính cụ thể như sau:
Phí bảo hiểm phải nộp | = | Phí bảo hiểm năm theo danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ | x | Thời hạn được bảo hiểm (ngày) |
365 (ngày) |
Mức phí bảo hiểm cháy nổ chung cư 5 tầng trở lên được tính như thế nào? (Hình từ Internet)
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Căn cứ Điều 14 Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy như sau:
- Cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố hoặc kích động, xúi giục, dụ dỗ người khác gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự.
- Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Lợi dụng việc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Làm giả, làm sai lệch kết quả thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
- Báo cháy giả; báo tình huống cứu nạn, cứu hộ giả.
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hàng hóa, chất, vật phẩm nguy hiểm về cháy, nổ.
- Chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chất lượng không đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn đã được trang bị theo quy định; cản trở lối thoát nạn; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, đường thoát nạn, ngăn cháy lan.
- Lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
Như vậy, trong hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có tất cả 11 hành vi bị nghiêm cấm như nội dung trên.