Mô hình thông tin công trình BIM là gì? Ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Đào Thị Mỹ Hồng
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Mô hình thông tin công trình BIM là gì? Ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng như thế nào? Việc sử dụng công nghệ mới trong hoạt động xây dựng phải đảm bảo điều gì?

Nội dung chính

Mô hình thông tin công trình BIM là gì?

Mô hình thông tin công trình (BIM - Building Information Modeling), hay còn gọi là mô hình thông tin xây dựng, là một quy trình ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực xây dựng nhằm tạo lập và quản lý các mô hình thông tin kỹ thuật số xuyên suốt vòng đời của một công trình từ thiết kế, thi công cho đến vận hành và bảo trì.

Về bản chất, BIM là hệ thống dữ liệu kỹ thuật số mô tả chi tiết các yếu tố cấu thành công trình (kích thước, vị trí, số lượng, vật liệu, quan hệ không gian...) được liên kết logic và cập nhật liên tục. Những thông tin này được chia sẻ, kết nối và đồng bộ hóa giữa các bên liên quan thông qua phần mềm BIM, giúp hỗ trợ việc đưa ra quyết định trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Việc tích hợp dữ liệu kỹ thuật của từng bộ phận công trình với các yếu tố như định mức, chi phí, tiến độ thi công, quy trình vận hành... sẽ tạo ra một mô hình công trình số hóa giống như mô hình thực tế ảo, giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành.

Ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, việc áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng được quy định như sau:

Điều 8. Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và các giải pháp công nghệ số
1. Việc áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng được quy định như sau:
a) Áp dụng đối với dự án có quy mô từ nhóm B trở lên ở thời điểm bắt đầu chuẩn bị dự án và chỉ yêu cầu áp dụng đối với công trình xây dựng mới từ cấp II trở lên thuộc dự án;
b) Đối với các công trình không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này, khuyến khích chủ đầu tư chủ động áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng và cung cấp tập tin BIM theo quy định tại khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều này.

2. Đối với các công trình quy định tại khoản 1 Điều này, ngoài các hồ sơ trình thẩm định, cấp phép xây dựng theo quy định của Nghị định này, chủ đầu tư (hoặc người đề nghị thẩm định) có trách nhiệm cung cấp dữ liệu BIM của công trình theo các định dạng gốc và định dạng chuẩn IFC 4.0 hoặc các định dạng mở khác phù hợp với đặc thù, tính chất của công trình bằng các thiết bị lưu trữ phổ biến. Dữ liệu BIM có thể bao gồm nhiều tệp tin nhưng dung lượng của mỗi tệp tin không quá 500 MB. Nội dung dữ liệu BIM nộp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng phải có các thông tin thể hiện được vị trí, hình dạng không gian ba chiều của công trình, trong đó thể hiện đầy đủ kích thước chủ yếu các bộ phận chính của công trình.

...

Như vậy, việc áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng được quy định như sau:

(1) Áp dụng đối với dự án có quy mô từ nhóm B trở lên ở thời điểm bắt đầu chuẩn bị dự án và chỉ yêu cầu áp dụng đối với công trình xây dựng mới từ cấp II trở lên thuộc dự án.

(2) Đối với các công trình không thuộc đối tượng quy định tại khoản (i) Mục này, khuyến khích chủ đầu tư chủ động áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng và cung cấp tập tin BIM trong hồ sơ thiết kế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.

Việc sử dụng công nghệ mới trong hoạt động xây dựng phải đảm bảo điều gì?

Căn cứ theo khoản 5 Điều 10 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định về áp dụng tiêu chuẩn, vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng như sau:

Điều 10. Áp dụng tiêu chuẩn, vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng
[...]
b) Ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đã được áp dụng rộng rãi.
4. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn cơ sở:
a) Khi áp dụng tiêu chuẩn cơ sở thì phải có thuyết minh về sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tính tương thích, đồng bộ với các tiêu chuẩn có liên quan;
b) Việc công bố các tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình được quy định tại các pháp luật khác có liên quan.
5. Việc sử dụng vật liệu, công nghệ mới phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương thích với các tiêu chuẩn có liên quan; đảm bảo tính khả thi, sự bền vững, an toàn và hiệu quả.

Theo đó, việc sử dụng công nghệ mới trong hoạt động xây dựng phải đảm bảo tính khả thi, sự bền vững, an toàn và hiệu quả.

Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ mới trong hoạt động xây dựng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương thích với các tiêu chuẩn có liên quan.

saved-content
unsaved-content
69