Mô hình kinh doanh Sleepbox là gì? Yêu cầu về PCCC khi kinh doanh sleepbox?

Mô hình kinh doanh Sleepbox là gì? Yêu cầu về PCCC khi kinh doanh sleepbox? Đâu là trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ?

Nội dung chính

Mô hình kinh doanh Sleepbox là gì?

Sleepbox là một dạng mô hình ký túc xá mini được thiết kế thành các hộp nhỏ riêng biệt, phù hợp với nhu cầu thuê phòng trọ giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư cho người sử dụng. Khác với phòng trọ truyền thống, sleepbox tối ưu hóa không gian bằng thiết kế gọn gàng, hiện đại, phù hợp với người độc thân, sinh viên hoặc khách du lịch ngắn hạn.

Mô hình sleepbox bắt nguồn từ Nga và dần được áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Các khu vực gần sân bay, bến xe, trường học hoặc khu công nghiệp đang dần trở thành điểm nóng để triển khai mô hình kinh doanh sleepbox.

(1) Ưu điểm của mô hình kinh doanh sleepbox:

- Chi phí thuê sleepbox thấp: So với phòng trọ truyền thống, sleepbox có giá thuê dao động từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng/tháng, đã bao gồm điện nước, máy lạnh, wifi. Một số nơi còn cho thuê theo ngày với giá chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/đêm.

- Đảm bảo riêng tư cá nhân: Dù thiết kế dạng hộp, mỗi người thuê có không gian riêng biệt, được ngăn cách bằng vách cứng hoặc rèm, tránh sự làm phiền từ người khác.

- Tiện nghi cơ bản đầy đủ: Các sleepbox thường trang bị giường, tủ đồ, ổ cắm, đèn cá nhân. Một số nơi hiện đại còn tích hợp tủ lạnh mini, khóa vân tay, tivi treo tường...

(2) Nhược điểm cần cân nhắc khi thuê sleepbox

- Diện tích hạn chế: Mỗi hộp ngủ thường chỉ rộng từ 4–6m², khá chật nếu người thuê có nhiều hành lý hoặc sống dài hạn như các mô hình phòng trọ truyền thống.

- Tủ đựng đồ nhỏ: Vì diện tích hạn chế, các ngăn chứa đồ cũng bị thu gọn, không phù hợp cho những người có nhu cầu cất giữ nhiều vật dụng cá nhân.

- Dùng chung nhà vệ sinh: Mỗi cụm sleepbox sẽ dùng chung một khu vệ sinh, thường từ 5 đến 7 người.

Mô hình kinh doanh Sleepbox là gì? Yêu cầu về PCCC khi kinh doanh sleepbox?

Mô hình kinh doanh Sleepbox là gì? Yêu cầu về PCCC khi kinh doanh sleepbox? (Hình từ Internet)

Yêu cầu về PCCC khi kinh doanh sleepbox?

Căn cứ Điều 5 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định về nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC áp dụng cho mô hình kinh doanh sleepbox cụ thể:

- Nội quy an toàn về PCCC phải phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở và gồm các nội dung cơ bản sau: Quy định việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; quy định việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy; những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; những việc phải làm khi có cháy, nổ xảy ra.

- Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải thể hiện đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy của khu vực, tầng nhà. Tùy theo tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể của cơ sở, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy có thể tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng thể hiện một hoặc một số nội dung nêu trên.

- Biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, gồm:

+ Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm mang, sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng, các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh nhiệt, tia lửa hoặc lửa tại nơi sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất dễ cháy, nổ;

+ Biển báo khu vực có nguy hiểm về cháy, nổ;

+ Biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, gồm: Biển chỉ hướng thoát nạn, cửa thoát nạn; biển chỉ vị trí trụ, cột, bể, bến lấy nước chữa cháy.

- Quy cách, mẫu biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4879:1989 Phòng cháy - Dấu hiệu an toàn. Trong trường hợp cần phải quy định rõ hiệu lực của biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn thì phải có biển phụ kèm theo.

- Nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải được phổ biến và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành.

Đâu là trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ?

Căn cứ khoản 7 Điều 8 Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định về trách nhiệm của cá nhân trong đó gồm các cá nhân kinh doanh Sleepbox trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cụ thể như sau:

- Chấp hành quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Tìm hiểu kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng thoát nạn, sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông dụng;

- Bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ;

- Phát hiện, ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ và các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép;

- Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi được cơ quan, người có thẩm quyền huy động; chấp hành yêu cầu, quyết định của người chỉ huy chữa cháy, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Chuyên viên pháp lý Cao Thanh An
saved-content
unsaved-content
166