Loại nhà và công trình nào được áp dụng QCVN về An toàn cháy hiện nay?
Nội dung chính
Loại nhà và công trình nào được áp dụng QCVN về An toàn cháy hiện nay?
QCVN về An toàn cháy cho nhà và công trình hiện nay sẽ thực hiện theo hai quy chuẩn, cụ thể là QCVN 06:2022/BXD ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BXD.
Theo đó, loại nhà và công trình nào được áp dụng QCVN về An toàn cháy hiện nay bao gồm:
(1) Nhà ở: chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn;
Trường hợp chuyển đổi nhà ở riêng lẻ sang mục đích khác thì phải tuân thủ theo quy định của quy chuẩn này và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan
(2) Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm (trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng, tín ngưỡng; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài (sân vận động, sân tập luyện, thi đấu thể thao và tương tự);
(3) Các nhà sản xuất, nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
(4) Các nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
(5) Các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm;
(6) Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trừ nhà ươm, nhà kính trồng cây và tương tự).
Lưu ý: Phân loại công trình theo quy định pháp luật liên quan.
Các công trình cụ thể nêu tại 1.1.2 xem Bảng 6.
Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2. F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên các nhà có các đặc điểm riêng về phòng chống cháy khác với các nhóm nhà trong Bảng 6, thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức, về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của các nhà đó, trên cơ sở các tài liệu chuẩn được áp dụng.
Loại nhà và công trình nào được áp dụng QCVN về An toàn cháy hiện nay? (Hình từ Internet)
An toàn cháy cho nhà, công trình hoặc các phần công trình là gì?
Căn cứ Tiểu mục 1.4 Mục 1 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình quy định như sau:
1 QUY ĐỊNH CHUNG
[...]
1.4 Giải thích từ ngữ
Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.4.1
An toàn cháy cho nhà, công trình (hoặc các phần công trình)
Sự bảo đảm các yêu cầu về tính chất vật liệu và cấu tạo kết cấu xây dựng, về các giải pháp kiến trúc, quy hoạch, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp với đặc điểm sử dụng của công trình nhằm ngăn ngừa cháy (phòng cháy), hạn chế lan truyền, bảo đảm dập tắt đám cháy (chống cháy), ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm có hại đối với con người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có cháy xảy ra.
[...]
Theo đó, an toàn cháy cho nhà, công trình (hoặc các phần công trình) là sự bảo đảm các yêu cầu về:
- Tính chất vật liệu và cấu tạo kết cấu xây dựng;
- Các giải pháp kiến trúc, quy hoạch;
- Các giải pháp kỹ thuật và công nghệ; phù hợp với đặc điểm sử dụng của công trình nhằm:
- Ngăn ngừa cháy (phòng cháy);
- Hạn chế lan truyền, bảo đảm dập tắt đám cháy (chống cháy);
- Ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm, có hại đối với con người;
- Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có cháy xảy ra.
Nhà chung cư vi phạm về phòng cháy chữa cháy bị phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
Ngoài ra, buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi sau:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).