Liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai qua số điện thoại nào? Địa chỉ ở đâu?
Nội dung chính
Liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai qua số điện thoại nào? Địa chỉ ở đâu?
Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai.
Văn phòng này chịu trách nhiệm về các công tác liên quan đến đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quản lý hồ sơ địa chính, và các hoạt động dịch vụ liên quan đến đất đai theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Người dân có thể liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai qua số điện thoại: 0593717379
Địa chỉ: 236 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai qua số điện thoại nào? Địa chỉ ở đâu? (Ảnh từ Internet)
Những phương thức nộp hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
a) Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
b) Văn phòng đăng ký đất đai;
c) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
2. Phương thức nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân được lựa chọn nộp hồ sơ theo các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nộp thông qua dịch vụ bưu chính công ích;
c) Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;
d) Nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công cấp tỉnh hoặc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ hoặc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đối với trường hợp hồ sơ không yêu cầu nộp bản chính;
đ) Khi nộp hồ sơ theo quy định tại điểm a và điểm c khoản này, người nộp hồ sơ được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu hoặc nộp bản chính giấy tờ hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Trường hợp nộp hồ sơ theo phương thức quy định tại điểm b và điểm d khoản này thì nộp bản sao giấy tờ đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc phải được số hóa từ bản chính.
...
Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn nộp hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai bằng các phương thức như: Nộp trực tiếp, thông qua dịch vụ bưu chính công ích, thông qua dịch vụ bưu chính công ích quốc gia hoặc cấp tỉnh.
Hoặc có thể nộp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ hoặc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đối với trường hợp hồ sơ không yêu cầu nộp bản chính.
Văn phòng đăng ký đất đai có nhiệm vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
Văn phòng đăng ký đất đai
1. Vị trí và chức năng
Văn phòng đăng ký đất đai là tổ chức đăng ký đất đai, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh; có chức năng thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận), đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước khác về đất đai trên địa bàn cấp tỉnh.
2. Nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai
a) Thực hiện đăng ký đất đai đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
b) Thực hiện đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
c) Thực hiện đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận, hủy kết quả đăng ký biến động trên giấy chứng nhận;
d) Kiểm tra mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất; kiểm tra, xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
đ) Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng mẫu Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
e) Cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật;
g) Thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
h) Thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
i) Cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu đất đai, tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
k) Thực hiện thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật và các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai quy định tại Điều 154 Luật Đất đai;
l) Thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật;
m) Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng đăng ký đất đai; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về các lĩnh vực công tác được giao.
...
Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai có các nhiệm vụ theo quy định trên.