Cấm xây nhà cao từ 9 tầng trong nội đô Hà Nội
Nội dung chính
Cấm xây nhà cao từ 9 tầng trong nội đô Hà Nội
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc, có hiệu lực từ ngày 10/1/2025, quy định rõ về việc xây dựng công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên) trong khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần quận Tây Hồ và Hai Bà Trưng.
(1) Các khu vực cấm xây nhà cao tầng:
- Đường vành đai 1: Công viên Thủ Lệ, Thống Nhất và khu vực sân bay đường Trường Chinh.
- Hồ Tây: Khu vực bảo tồn cảnh quan xung quanh hồ và phía tây đường Âu Cơ.
- Khu vực trung tâm: Phía tây đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, phố Lê Phụng Hiểu, Tràng Tiền.
- Các tuyến phố chính: Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Lò Đúc, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng.
- Tuyến phố hướng tâm: Phố Giảng Võ, Tôn Đức Thắng, Văn Cao, Lê Duẩn.
(2) Các trường hợp được phép xây nhà cao:
- Một số ô đất giáp với nút giao các tuyến phố chính và đường vành đai được phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng, nhưng phải tuân thủ quy định cụ thể về chiều cao tối đa (như 21 tầng/76m tại nút giao Cát Linh - Giảng Võ).
- Khu vực trung tâm triển lãm Giảng Võ có thể xây dựng công trình cao tầng làm điểm nhấn.
Cấm xây nhà cao từ 9 tầng trong nội đô Hà Nội (Hình từ Internet)
Xây nhà chung cư có những yêu cầu chung gì?
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo QCVN 04:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư.
Theo đó, nhà chung cư phải đáp ứng các yêu cầu chung sau:
- Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực, ổn định và tuổi thọ thiết kế. Không xây dựng nhà trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt đất, lở đất, trượt đất...), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng.
- Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn cháy theo QCVN 06:2022/BXD và các quy định liên quan. Việc trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tuân thủ các yêu cầu của quy định hiện hành.
- Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải đảm bảo người cao tuổi, người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo QCVN 10:2014/BXD.
- Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải được thiết kế, xây dựng đáp ứng các yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả theo QCVN 09:2017/BXD.
- Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe. Yêu cầu về phòng chống mối cho nhà chung cư tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng.
- Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải được bảo trì theo đúng quy trình.
- Phần căn hộ chung cư trong nhà chung cư hỗn hợp phải có lối ra vào (không bao gồm buồng thang bộ thoát nạn) độc lập.
- Các phần chức năng khác như văn phòng, nhà hàng, siêu thị, khách sạn, căn hộ lưu trú (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) và các dịch vụ khác trong nhà chung cư hỗn hợp phải bố trí khu vực riêng, theo dự án được phê duyệt và quản lý vận hành theo quy định.
- Các không gian công cộng, không gian sử dụng chung trong Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải có các thiết bị giám sát an ninh hoặc các giải pháp khác nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ em nói riêng, người và công trình nói chung.
Yêu cầu về an toàn cháy đối với nhà chung cư?
Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải đảm bảo các quy định chung về an toàn cháy theo QCVN 06:2021/BXD (được thay thế bởi QCVN 06:2022/BXD ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BXD):
(1) Về quy định chung:
Trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì:
- Nhà vẫn duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà;
- Mọi người trong nhà (không phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe) có thể sơ tán ra bên ngoài tới khu vực an toàn (sau đây gọi là bên ngoài) trước khi xuất hiện nguy cơ đe doạ tính mạng và sức khỏe do tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy;
- Có khả năng cứu người;
- Lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản;
- Không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ;
- Hạn chế các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp về vật chất, bao gồm bản thân nhà và các tài sản bên trong nhà, có xét tới tương quan kinh tế giữa giá trị thiệt hại và chi phí cho các giải pháp cùng trang thiết bị kỹ thuật phòng cháy chữa cháy.
(2) Trong quá trình xây dựng:
- Thực hiện các giải pháp phòng chống cháy theo thiết kế phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và đã được thẩm duyệt theo quy định;
- Thực hiện các yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho các công trình đang xây dựng, các công trình phụ trợ và các quy định phòng cháy chữa cháy trong thi công xây lắp theo pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành;
- Trang bị các phương tiện chữa cháy theo quy định và trong trạng thái sẵn sàng hoạt động;
- Khả năng thoát nạn an toàn và cứu người, cũng như bảo vệ tài sản khi xảy ra cháy trong công trình đang xây dựng và trên công trường.
(3) Trong quá trình khai thác sử dụng:
- Bảo đảm các bộ phận của nhà và khả năng làm việc của các hệ thống bảo vệ chống cháy phù hợp với yêu cầu thiết kế và các tài liệu kỹ thuật của chúng;
-Thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật hiện hành;
- Không được phép thay đổi kết cấu hay các giải pháp bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình mà không có thiết kế được phê duyệt theo quy định;
- Khi tiến hành sửa chữa, không cho phép sử dụng các cấu kiện và vật liệu không đáp ứng các yêu cầu của các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành
- Khi nhà được cấp phép ở điều kiện phải hạn chế về tải trọng cháy, về số người trong nhà hoặc trong bất kỳ phần nào của nhà, thì bên trong nhà phải đặt thông báo về những hạn chế này ở những nơi dễ thấy, còn bộ phận quản lý nhà phải thiết lập các biện pháp tổ chức riêng về phòng cháy chữa cháy và sơ tán người khi xảy ra cháy.
Ngoài ra, khi phân tích tính nguy hiểm cháy của nhà, có thể sử dụng các tình huống tính toán dựa trên tương quan giữa các thông số; sự phát triển và lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, việc sơ tán người và tổ chức chữa cháy.