Làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính thì bị phạt bao nhiêu?

Chuyên viên pháp lý Đỗ Trần Quỳnh Trang
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Hành vi làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính phải chịu mức phạt bao nhiêu? Đơn vị hành chính,hư hỏng mốc địa giới,vi phạm hành chính,mức phạt tiền

Nội dung chính

    Hành vi làm sai lệch mốc địa giới đơn vị hành chính bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ Điều 26 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định hình thức phạt đối với cá nhân vi phạm hành chính trong trường hợp làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính như sau:

    Vi phạm quy định về quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính
    1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển, làm sai lệch mốc địa giới đơn vị hành chính.
    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính.
    3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.

    Theo đó, người có hành vi làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.

    Lưu ý: Mức xử phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân. (Quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    Làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính thì bị phạt bao nhiêu?

    Làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính thì bị phạt bao nhiêu? (hình từ internet)

    Đơn vị địa giới hành chính được lập theo đơn vị nào?

    Theo Điều 49 Luật Đất đai 2024 quy định về địa giới đơn vị hành chính như sau:

    Địa giới đơn vị hành chính
    1. Địa giới đơn vị hành chính được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thể hiện thông tin về việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.
    2. Bộ Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xác định địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan xác định địa giới đơn vị hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới đơn vị hành chính trong phạm vi địa phương.
    3. Phạm vi quản lý đất đai trên đất liền được xác định theo đường địa giới đơn vị hành chính của từng đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật.
    4. Trường hợp phạm vi quản lý đất đai cấp tỉnh chưa xác định được do chưa xác định được địa giới đơn vị hành chính thì Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan lập hồ sơ trình Chính phủ.
    5. Trường hợp phạm vi quản lý đất đai cấp huyện, cấp xã chưa xác định được do chưa xác định được địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan phối hợp giải quyết; trong thời gian chưa có quyết định về xác định địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai đối với khu vực chưa thống nhất. Trường hợp không thống nhất được phương án giải quyết thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ trình Chính phủ.
    6. Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính; tổ chức giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.
    7. Bộ Nội vụ quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.

    Theo đó, địa giới đơn vị hành chính được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thể hiện thông tin các mốc địa giới của đơn vị hành chính đó.

    Việc cắm mốc địa giới hành chính các cấp được quy định như thế nào?

    Theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư 48/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp, việc cắm mốc địa giới hành chính được thực hiện theo các quy định cụ thể sau:

    - Mốc ĐGHC các cấp phải được cắm tại vị trí đã được các đơn vị hành chính liền kề thống nhất lựa chọn và xác nhận pháp lý. Mặt mốc có ghi tên của đơn vị hành chính nào thì hướng mặt mốc về phía đơn vị hành chính đó.

    - Khi cắm mốc ĐGHC phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan hành chính nhà nước các đơn vị hành chính liền kề và đại diện cơ quan hành chính nhà nước cấp cao hơn chứng kiến. Khi cắm mốc ĐGHC cấp tỉnh phải có đại diện cơ quan hành chính nhà nước của các đơn vị hành chính liền kề chứng kiến.

    - Sau khi cắm mốc ĐGHC phải lập bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc ĐGHC. Khi vẽ sơ đồ vị trí mốc ĐGHC phải chọn ít nhất ba (03) địa vật ổn định lâu dài làm vật chuẩn để có khả năng khôi phục lại vị trí của mốc trong trường hợp bị mất hoặc bị phá hủy sau này. Các số liệu đo từ mốc đến vật chuẩn đối với góc phương vị lấy đến chẵn giây và khoảng cách lấy đến 0,1 m;

    Bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc ĐGHC được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 03a, 03b, 03c ban hành kèm theo Thông tư 48/2014/TT-BTNMT.

    - Sau khi hoàn thành việc cắm mốc ĐGHC, phải bàn giao mốc ĐGHC các cấp cho các đơn vị hành chính trực tiếp quản lý mốc và lập biên bản bàn giao theo mẫu quy định tại Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 48/2014/TT-BTNMT.

    Việc cắm mốc địa giới hành chính được thực hiện theo quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo tính chính xác và tuân theo quy định pháp luật. 

    81
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ