Không mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư có thể bị phạt tới 100 triệu đồng?
Nội dung chính
Không mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư có thể bị phạt tới 100 triệu đồng?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư cụ thể đối với hành vi không mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư sẽ bị phạt tiền tối thiểu là 80 triệu đồng đến tối đa là 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, với hành vi không mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư sẽ bị phạt tiền cụ thể như sau:
- Tổ chức không mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư là từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Cá nhân không mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư là từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Không mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư có thể bị phạt tới 100 triệu đồng? (Hình từ Internet)
Tài liệu quyết toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 39 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (sau đây gọi là Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định tài liệu quyết toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm như sau:
- Biên bản kiểm đếm, biên bản nhận bàn giao hồ sơ nhà chung cư, biên bản xác định các phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật Nhà ở 2023;
- Biên bản xác định tổng số kinh phí bảo trì đã thu theo quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó xác định rõ:
+ Số tiền đã thu của người mua, thuê mua và số tiền chủ đầu tư phải bàn giao theo quy định;
+ Tên, số tài khoản, nơi mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang quản lý;
- Bảng kê các công việc bảo trì phần sở hữu chung theo quy trình bảo trì đã lập theo quy định của pháp luật xây dựng mà chủ đầu tư đã thực hiện kèm theo hóa đơn, chứng từ chứng minh số tiền bảo trì đã thanh toán cho đơn vị bảo trì và số liệu kinh phí bảo trì còn lại sau khi trừ số kinh phí mà chủ đầu tư đã thực hiện các công việc bảo trì (nếu có).
+ Đối với các công việc bảo trì thuộc nội dung phải bảo hành và còn trong thời hạn bảo hành nhà ở theo quy định Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư không được khấu trừ vào tiền bảo trì phải chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
Sau khi quyết toán thì ban giao kinh phí bảo trì như thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 39 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định như sau:
Lập, quyết toán số liệu, bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư
4. Sau khi quyết toán kinh phí bảo trì theo quy định tại khoản 2 Điều này thì chủ đầu tư và Ban quản trị tiến hành bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại khoản 2 Điều 153 Luật Nhà ở.
Trường hợp thuộc diện quy định tại khoản 4 Điều 155 của Luật Nhà ở nhưng chủ đầu tư và người mua, thuê mua căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư chưa có thỏa thuận phân chia trong hợp đồng mua bán thì các bên lập phụ lục hợp đồng để thống nhất phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 153 Luật Nhà ở 2023 quy định bàn giao kinh phí bảo trì như sau:
- Sau khi có quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư của cơ quan có thẩm quyền, Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm mở tài khoản tại tổ chức chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí bảo trì và có văn bản đề nghị chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao kinh phí bảo trì đã thu theo quy định tại khoản 1 Điều 153 Luật Nhà ở 2023;
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có văn bản đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và Ban quản trị nhà chung cư phải thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì để làm cơ sở bàn giao kinh phí bảo trì theo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD;
- Căn cứ số liệu quyết toán kinh phí bảo trì quy định tại điểm b khoản 2 Điều 153 Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở đề nghị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang quản lý tài khoản kinh phí bảo trì chuyển kinh phí này và lãi phát sinh từ kinh phí bảo trì sang tài khoản quản lý kinh phí do Ban quản trị nhà chung cư lập;
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm chuyển kinh phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 153 Luật Nhà ở 2023 cho Ban quản trị nhà chung cư theo số liệu hai bên đã quyết toán.
+ Các chi phí phát sinh từ việc chuyển giao kinh phí bảo trì được khấu trừ vào kinh phí bảo trì.