Không ký hợp đồng lao động, chủ có phải bồi thường khi người làm bị tai nạn lao động không?

Tôi có nội dung thắc mắc rất mong nhận được sự giải đáp từ anh chị. Anh Việt là cai thầu xây dựng. Đến tháng thứ 4 của quá trình thi công một công trình thì anh Thắng là thợ xây bị ngã từ tầng 3 xuống và chết. Giữa anh Việt và anh Thắng không có hợp đồng lao động nào trước đó. Vậy anh Việt có phải bồi thường gì cho anh Thắng không? Chủ nhà có phải chịu trách nhiệm gì không?

Nội dung chính

    Không ký hợp đồng lao động, chủ có phải bồi thường khi người làm bị tai nạn lao động không?

    Thứ nhất là hành vi không giao kết hợp đồng: Điều 16 Bộ luật Lao động 2012 quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau:

    - Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    - Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

    Như vậy, theo quy định của Luật, đối với công việc có thời hạn trên 03 tháng thì người sử dụng lao động, ở đây là anh Việt phải giao kết hợp đồng bằng văn bản. Do đó, hành vi không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với anh Thắng (đã làm 04 tháng) thì anh Việt có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể như sau:

    - Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

    a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

    b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

    c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

    d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

    đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

    Thứ hai là việc anh Thắng ngã chết: Theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, nếu công việc của người lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên, anh Việt không tham gia bảo hiểm xã hội cho anh Thắng thì anh Việt sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

    3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

    4. Biện pháp khắc phục hậu quả

    a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

    b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

    Bên cạnh đó, Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, cụ thể là:

    1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

    2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

    Như vậy, trường hợp anh Thắng bị ngã chết khi đang làm việc sẽ thuộc đối tượng hưởng chế độ tại nạn lao động. Do vậy, anh Việt phải chi trả các khoản sau cho thân nhân của người lao động:

    + Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

    + Nếu do lỗi của anh Thắng gây ra thì phải bồi thường một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật vệ sinh, an toàn lao động 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

    Người chủ nhà là người thuê anh Việt về xây dựng, nếu muốn biết người chủ nhà có trách nhiệm gì hay không thì phải xem rõ trong hợp đồng giữa anh Việt và người chủ nhà để xác minh vấn đề này.

    Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.

    Trân trọng!

    39