Khi Nhà nước thu hồi đất thì có những trường hợp nào người dân không nhận được bồi thường?
Nội dung chính
Khi Nhà nước thu hồi đất thì có những trường hợp nào người dân không nhận được bồi thường?
Căn cứ theo Điều 101 Luật Đất đai 2024 quy định về các trường hợp không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Trường hợp không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 107 của Luật này.
2. Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý quy định tại Điều 217 của Luật này.
3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 81, khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này.
4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 96 của Luật này.
Theo đó, các trường hợp khi Nhà nước đã bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất; đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi do hết thời hạn sử dụng đất và thu hồi do không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không được Nhà nước bồi thường về đất.
Bên cạnh đó còn có các trường hợp Nhà nước thu hồi đất sẽ không được bồi thường về tài sản gắn liền với đất được quy định tại Điều 105 Luật Đất đai 2024 như sau:
Trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 8 Điều 81, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 của Luật này.
2. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập trong thời hạn hiệu lực của thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
3. Tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn.
Chủ sở hữu tài sản quy định tại khoản này được hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời.
4. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác mà chủ sở hữu công trình xác định không còn nhu cầu sử dụng trước thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, ngoài các trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất thì còn có các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất gồm: thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; tài sản được tạo lập trái pháp luật hoặc trong thời gian có thông báo thu hồi; công trình xây dựng có giấy phép thời hạn đã hết khi thu hồi; chủ sở hữu sẽ được hỗ trợ tháo dỡ hoặc công trình hạ tầng mà chủ sở hữu không còn nhu cầu sử dụng trước thời điểm thu hồi.
Khi Nhà nước thu hồi đất thì có những trường hợp nào người dân không nhận được bồi thường? (Hình từ Internet)
Thời hạn chi trả tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 94 Luật Đất đai 2024 quy định về thời hạn chi trả tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Kinh phí và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
…
3. Việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có hiệu lực thi hành, cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản;
b) Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm phê duyệt phương án chi trả bồi thường chậm cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản. Kinh phí chi trả bồi thường chậm được bố trí từ ngân sách của cấp phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
...
Như vậy, khi thuộc diện được nhận tiền bồi thường, Nhà nước sẽ tiến hành phê duyệt và chi trả tiền bồi thường cho người dân trong vòng 30 ngày kể từ ngày phê duyệt.
Trường hợp Nhà nước chậm chi trả tiền bồi thường thì khi thanh toán sẽ nhận được thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể: Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Ngoài bồi thường thì Nhà nước có hỗ trợ gì khi thu hồi đất không?
Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 108 Luật Đất đai 2024 quy định về các hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất gồm:
- Hỗ trợ ổn định đời sống: Cung cấp khoản tiền hoặc hiện vật hỗ trợ để đảm bảo đời sống hàng ngày cho những người bị thu hồi đất. Giúp các hộ gia đình duy trì cuộc sống bình thường trong thời gian chuyển tiếp.
- Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh: Hỗ trợ tài chính hoặc các nguồn lực khác để các hộ gia đình, doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi bị thu hồi đất.
- Hỗ trợ di dời vật nuôi: Cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc di dời, chăm sóc vật nuôi, bao gồm chi phí vận chuyển và chi phí liên quan khác. Giúp người dân bảo vệ tài sản chăn nuôi, tránh thiệt hại khi bị thu hồi đất.
- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm: Tổ chức các khóa đào tạo nghề và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho những người bị ảnh hưởng. Giúp người dân nhanh chóng thích nghi với tình hình mới và có cơ hội việc làm mới.
- Hỗ trợ tái định cư: Cung cấp nhà ở hoặc đất ở mới cho những người bị thu hồi đất theo quy định tại khoản 8 Điều 111 của Luật Đất đai 2024. Đảm bảo người dân có chỗ ở ổn định sau khi bị thu hồi đất.
- Hỗ trợ tháo dỡ, phá dỡ, di dời: Cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc tháo dỡ, phá dỡ và di dời các công trình xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 105 của Luật Đất đai 2024. Giúp người dân giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc tháo dỡ và di dời tài sản.
Ngoài ra, dựa trên tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định các biện pháp và mức hỗ trợ khác ngoài các hình thức đã nêu ở trên. Đảm bảo rằng các hộ gia đình và cá nhân có đất thu hồi được hỗ trợ đầy đủ, từ đó ổn định đời sống và sản xuất một cách hiệu quả.