Khi doanh nghiệp bỏ trốn mà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, sẽ bị xử lý như thế nào?
Nội dung chính
Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp nào?
Căn cứ Điều 52 Luật Quản lý thuế 2019 quy định cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau:
- Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không khai thuế hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;
- Quá thời hạn quy định mà người khai thuế không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp theo quy định;
- Người khai thuế không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan;
- Người khai thuế không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;
- Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;
- Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp;
- Người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp;
- Trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp bỏ trốn khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có hành vi trốn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội trốn thuế:
Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
...
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
...
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bởi điểm e khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
...
Như vậy, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hoặc kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phjam thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Ngoài ra, nếu xét thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Hướng dẫn xử lý thuế khi doanh nghiệp bỏ trốn?
Căn cứ Công văn 3534/TCHQ-TXNK năm 2023 hướng dẫn xử lý thuế doanh nghiệp bỏ trốn:
Tổng cục Hải quan nhận được Công văn số 1103/HQBN-CBL ngày 15/6/2023 của cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh báo cáo và xin ý kiến xử lý đối với doanh nghiệp bỏ trốn mất tích. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
...
Tuy nhiên, do doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật đã xuất cảnh, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh thực hiện tính thuế, thông báo thuế để xác định số tiền thuế phải nộp đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Sau khi thông báo thuế đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế theo quy định. Đồng thời tiếp tục rà soát toàn bộ hồ sơ, có văn bản trao đổi với cơ quan công an trong đổ nêu rõ tình tiết vụ việc để cơ quan công an xem xét xử lý về tội trốn thuế theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Về phía trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đề nghị kiểm tra lại việc theo dõi, quản lý doanh nghiệp, kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan (nếu có) khi đã không kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý thuế và thu hồi tiền thuế theo quy định của Luật quản lý thuế (doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh từ tháng 3/2020, Giám đốc Công ty đã xuất cảnh từ tháng 11/2020 nhưng đến thời điểm tháng 5/2021, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh mới thực hiện xác minh về doanh nghiệp và chưa thực hiện được biện pháp thông báo thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế).
...
Như vậy, nếu doanh nghiệp bỏ trốn khi chưa đóng thuế thì Cục Hải quan thực hiện tính thuế, thông báo thuế để xác định số tiền thuế phải nộp đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Sau khi thông báo thuế, Cục Hải quan thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế theo quy định. Đồng thời tiếp tục rà soát toàn bộ hồ sơ, có văn bản trao đổi với cơ quan công an trong đổ nêu rõ tình tiết vụ việc để cơ quan công an xem xét xử lý về tội trốn thuế theo quy định.
Cục Hải quan đề nghị kiểm tra lại việc theo dõi, quản lý doanh nghiệp, kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan (nếu có) khi đã không kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý thuế và thu hồi tiền thuế theo quy định.