Khi cầu qua sông xảy ra sự cố chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo sự cố cho cơ quan nào?

Chuyên viên pháp lý Phan Thúy Vân
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Cầu qua sông có phải công trình xây dựng hay không? Khi cầu qua sông xảy ra sự cố chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo sự cố cho cơ quan nào?

Nội dung chính

    Cầu qua sông có phải công trình xây dựng hay không?

    Căn cứ tại khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 giải thích về công trình xây dựng như sau:

    Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước

    Đồng thời căn cứ theo Mục 2.5 Bảng 2 Phụ lục 2 Ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về cầu đường bộ trong công trình giao thông chia làm 5 cấp, từ cấp đặc biệt đến cấp IV.

    Như vậy, theo các quy định trên có thể xác định cầu qua sông là một công trình xây dựng thuộc nhóm công trình giao thông. 

    Khi cầu qua sông xảy ra sự cố chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo sự cố cho cơ quan nào?

    Khi cầu qua sông xảy ra sự cố chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo sự cố cho cơ quan nào?(Hình ảnh Internet)

    Khi cầu qua sông xảy ra sự cố xây dựng chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo sự cố cho cơ quan nào?

    Căn cứ tại Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về việc báo cáo sự cố công trình xây dựng như sau:

     Báo cáo sự cố công trình xây dựng
    1. Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo về sự cố bao gồm thông tin về tên và vị trí xây dựng công trình, sơ bộ về sự cố và thiệt hại (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình (nếu có). Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sự cố.
    2. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các sự cố có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Báo cáo bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
    a) Tên công trình, vị trí xây dựng, quy mô công trình;
    b) Tên các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình;
    c) Mô tả về sự cố, tình trạng công trình xây dựng khi xảy ra sự cố, thời điểm xảy ra sự cố;
    d) Thiệt hại về người và tài sản (nếu có).
    3. Đối với các sự cố công trình đi qua địa bàn 02 tỉnh trở lên, sau khi nhận được báo cáo bằng văn bản hoặc nhận được thông tin về sự cố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm gửi báo cáo sự cố cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
    4. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp thông tin về sự cố.
    5. Trường hợp sự cố công trình xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều này.

    Theo đó, ngay khi cầu qua sông xảy ra sự cố bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình (nếu có) về sự cố bao gồm thông tin về tên và vị trí xây dựng công trình, sơ bộ về sự cố và thiệt hại (nếu có). Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sự cố.

    Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các sự cố có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Nội dung báo cáo gồm:

    - Tên công trình, vị trí xây dựng, quy mô công trình;

    - Tên các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình;

    - Mô tả về sự cố, tình trạng công trình xây dựng khi xảy ra sự cố, thời điểm xảy ra sự cố;

    - Thiệt hại về người và tài sản (nếu có).

    Chủ đầu tư không báo cáo khi cầu qua sông xảy ra sự cố bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?

    Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt vi phạm khi xảy ra sự cố công trình như sau:

    Vi phạm quy định khi xảy ra sự cố công trình
    1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Không hoặc chậm khai báo khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, sự cố gây mất an toàn lao động;
    b) Không lập hồ sơ sự cố công trình theo quy định.
    2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Không tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố công trình hoặc tự ý phá dỡ, thu dọn hiện trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
    b) Không xử lý và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, sự cố gây mất an toàn lao động.
    3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
    b) Buộc lập hồ sơ sự cố công trình với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
    c) Buộc tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố công trình với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
    d) Buộc xử lý và khắc phục hậu quả với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

    Như vậy, khi cầu qua sông xảy ra sự cố mà nhà đầu tư có hành vi không báo cáo khi xảy ra sự cố công trình xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Mức phạt tiền trên áp dụng đối với nhà đầu tư là tổ chức, trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm sẽ xử phạt bằng 1/2 mức phạt của tổ chức (theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).

    Bên cạnh bị phạt tiền, nhà đầu tư công trình xây dựng có hành vi vi phạm nêu trên còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền về sự cố công trình xây dựng.

    37
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ