Kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương được quy định như thế nào theo pháp luật hiện nay?
Nội dung chính
Kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương được quy định như thế nào theo pháp luật hiện nay?
Kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương được quy định tại Điều 4 Nghị định 93/2018/NĐ-CP về quản lý nợ của chính quyền địa phương như sau:
- Kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương là một bộ phận của kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Sở Tài chính chủ trì lập, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến trước khi gửi Bộ Tài chính để tổng hợp.
- Căn cứ lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương:
+ Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ 05 năm giai đoạn trước của địa phương;
+ Mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước trong Chiến lược quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế; và những mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian 05 năm kế hoạch của địa phương; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt của địa phương;
+ Dự báo tình hình kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước của địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch;
+ Quy định của pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, bao gồm cả cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong thời gian 05 năm kế hoạch;
+ Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 05 năm.
- Yêu cầu lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm:
+ Phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế; mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 05 năm kế hoạch của cả nước và của địa phương;
+ Phù hợp với dự báo tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, huy động và trả nợ, giới hạn an toàn tài chính quốc gia trong thời gian 05 năm kế hoạch; phù hợp với các nguyên tắc cân đối, quản lý phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, nguyên tắc quản lý an toàn nợ công, hạn mức dư nợ vay được phép của địa phương;
+ Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, bố trí các khoản vay để thực hiện chương trình, dự án trong từng thời kỳ cụ thể;
+ Công khai, minh bạch, hiệu quả.
- Nội dung lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương:
+ Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ 05 năm giai đoạn trước, những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm;
+ Căn cứ yêu cầu lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của địa phương;
+ Các chỉ tiêu lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương gồm: Hạn mức vay, dư nợ vay của chính quyền địa phương (dư nợ so với hạn mức được vay); dự kiến vay, trả nợ;
+ Dự báo những rủi ro tác động đến các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương;
+ Các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo an toàn, bền vững nợ của chính quyền địa phương.
- Trình tự lập, quyết định kế hoạch vay, trả nợ 05 năm được thực hiện theo trình tự lập, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại Điều 9 Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (sau đây gọi là Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ).
- Việc điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương được thực hiện theo quy định tại Điều 10 và khoản 5 Điều 11 Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ.