Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu tinh bột sắn

Chúng tôi hiện muốn nhập kinh doanh (A11) hàng Tinh bột sắn ( đóng bao 50/PP/PE) từ Lào (Cửa khẩu Cầu Treo). Mục đích: bán nội địa cho các nhà máy sản xuất bánh kẹo trong nước + xuất khẩu cho Trung Quốc. Tinh bột sắn này thuộc diện kiểm dịch thực vật theo thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT nên theo Quyết định 15/2015/QĐ-TTG thì phải làm thủ tục HQ tại cửa khẩu nhập. Cho hỏi:
- Nếu muốn nhập khẩu lô hàng này thì khi làm thủ tục Hải quan chúng tôi sẽ phải làm 2 giấy chứng nhận:
1. Giấy chứng nhận VSATTP;
2. Chứng nhận lưu hành (Chứng nhận hợp quy) phải không?
- Cần liên hệ với cơ quan đầu mối nào đề làm giấy tờ trên?

Nội dung chính

    - Căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT ngày 15/08/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các loại tinh bột – sản phẩm thực vật thuộc danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

    - Căn cứ điều 6 và điều 7 Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:

    “Điều 6. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu

    1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

    2. Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

    Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.

    3. Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (trường hợp quy định phải có Giấy phép”).

    “Điều 7. Trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu

    1. Đăng ký kiểm dịch thực vật

    Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật.

    2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

    Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

    3. Kiểm tra vật thể

    Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:

    a) Kiểm tra sơ bộ

    Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.

    b) Kiểm tra chi tiết

    Kiểm tra bên trong và lấy mẫu lô hàng theo quy định tại QCVN 01-141:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật; thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại; phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.

    4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

    a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này) trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.

    Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết.

    b) Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.

    c) Trường hợp lô vật thể được vận chuyển bằng tàu biển có chiều cao khoang chứa hàng từ 3m trở lên, phải chia thành nhiều lớp để kiểm tra thì sau khi kiểm tra mỗi lớp, căn cứ vào kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật cho khối lượng vật thể đã kiểm tra (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).

    Sau khi có Giấy tạm cấp kết quả, lô hàng được phép vận chuyển về kho bảo quản và chỉ được đưa ra sản xuất, kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Căn cứ kết quả kiểm tra toàn bộ lô vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể”.

    Trường hợp của Công ty nhập khẩu tinh bột sắn thì phải đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo quy định trên. Công ty liên hệ Cơ quan Kiểm dịch thực vật (các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng hoặc các trạm kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu) nơi gần nhất để đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

    - Về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm:

    Ngoài ra, căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thì mặt hàng tinh bột sắn thuộc Tinh bột sắn thuộc phụ lục III- Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Do đó, mặt hàng tinh bột sắn thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu. Về phương thức, nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra và tổ chức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu, Công ty nghiên cứu quy định tại Thông tư 28/2013/TT- BCT ngày 06/11/2013 để thực hiện.

    Khi làm thủ tục hải quan, Công ty nộp hồ sơ nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, theo đó nộp đầy đủ các chứng từ theo quy định, trong đó có Giấy xác nhận kiểm dịch thực vật (01 bản chính) và Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm (01 bản chính).

    130