Hợp đồng ủy quyền sử dụng đất có thời hạn bao lâu?

Chuyên viên pháp lý: Lê Thị Thanh Lam
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Hợp đồng ủy quyền sử dụng đất có thời hạn bao lâu? Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy quyền sử dụng đất?

Nội dung chính

    Hợp đồng ủy quyền sử dụng đất có thời hạn bao lâu?

    Theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Thời hạn ủy quyền
    Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

    Như vậy, thời hạn của hợp đồng ủy quyền sử dụng đất sẽ do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời hạn thì hiệu lực của hợp đồng ủy quyền sử dụng đất là 01 năm từ ngày xác lập việc ủy quyền.

    Hợp đồng ủy quyền sử dụng đất có thời hạn bao lâu?Hợp đồng ủy quyền sử dụng đất có thời hạn bao lâu? (Hình từ internet)

    Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy quyền sử dụng đất?

    Căn cứ Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên được ủy quyền như sau:

    - Thực hiện nhiệm vụ theo nội dung ủy quyền và thông báo cho bên giao ủy quyền về tiến độ hoặc kết quả thực hiện công việc.

    - Thông báo cho bên thứ ba liên quan về thời hạn, phạm vi ủy quyền và mọi sửa đổi, bổ sung liên quan đến phạm vi ủy quyền.

    - Quản lý, bảo vệ tài liệu và công cụ được cung cấp để phục vụ cho công việc ủy quyền.

    - Bảo mật các thông tin tiếp cận được trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền.

    - Hoàn trả cho bên giao ủy quyền tài sản đã nhận và các lợi ích thu được trong quá trình thực hiện công việc, theo thỏa thuận hoặc quy định pháp luật.

    - Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu vi phạm các nghĩa vụ được nêu tại điều này.

    Theo Điều 566 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên được ủy quyền cụ thể:

    - Yêu cầu bên giao ủy quyền cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu và công cụ cần thiết để hoàn thành công việc theo ủy quyền.

    - Được hoàn trả các chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền và hưởng thù lao nếu có thỏa thuận.

    Ủy quyền sử dụng đất được hiểu như thế nào?

    Căn cứ Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

    Đại diện theo ủy quyền
    1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
    2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
    3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

    Căn cứ Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sử dụng như sau:

    Quyền sử dụng
    Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
    Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

    Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:

    Tài sản
    1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
    2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

    Như vậy, hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể khái niệm về ủy quyền sử dụng đất. Từ những quy định pháp luật trên có thể hiểu ủy quyền sử dụng đất là việc một bên ủy quyền cho bên còn lại xác lập, thực hiện các công việc liên quan đến quyền sử dụng đất trong phạm vi pháp luật cho phép.

    Nếu công chứng hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất mà 2 bên không đến cùng 1 nơi để công chứng có được không?

    Căn cứ Điều 57 Luật Công chứng 2024 quy định:

    Công chứng hợp đồng ủy quyền trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng
    1. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền được yêu cầu công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng mà mình lựa chọn chứng nhận việc đề nghị ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền được yêu cầu công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng mà mình lựa chọn chứng nhận tiếp vào bản gốc của hợp đồng ủy quyền đó để xác nhận việc chấp nhận ủy quyền, hoàn thành việc công chứng hợp đồng ủy quyền và gửi 01 bản gốc của văn bản công chứng đó cho tổ chức hành nghề công chứng mà bên ủy quyền đã công chứng để lưu hồ sơ công chứng.
    Văn bản công chứng hợp đồng ủy quyền có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng mà bên ủy quyền và bên được ủy quyền yêu cầu công chứng ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng đó. Trường hợp là văn bản công chứng điện tử thì phải có chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của các tổ chức hành nghề công chứng đó.

    Như vậy, nếu công chứng hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất mà 2 bên không đến cùng 1 nơi để công chứng thì cách xử lý được quy định cụ thể như sau:

    - Bên ủy quyền được yêu cầu công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng mà mình lựa chọn chứng nhận việc đề nghị ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền.

    - Bên được ủy quyền được yêu cầu công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng mà mình lựa chọn chứng nhận tiếp vào bản gốc của hợp đồng ủy quyền đó để xác nhận việc chấp nhận ủy quyền, hoàn thành việc công chứng hợp đồng ủy quyền.

    - Gửi 01 bản gốc của văn bản công chứng đó cho tổ chức hành nghề công chứng mà bên ủy quyền đã công chứng để lưu hồ sơ công chứng.

    Lưu ý: 

    - Văn bản công chứng hợp đồng ủy quyền có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng mà bên ủy quyền và bên được ủy quyền yêu cầu công chứng ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng đó.

    - Trường hợp là văn bản công chứng điện tử thì phải có chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của các tổ chức hành nghề công chứng đó.

    saved-content
    unsaved-content
    385