Hợp đồng mua bán quốc tế, mua bán ngoại thương, mua bán với thương nhân nước ngoài, xuất nhập khẩu khác nhau ra sao?

Sự giống và khác nhau giữa: hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng mua bán ngoại thương, hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài, hợp đồng xuất nhập khẩu là gì?

Nội dung chính

    Hợp đồng mua bán quốc tế, mua bán ngoại thương, mua bán với thương nhân nước ngoài, xuất nhập khẩu khác nhau ra sao?

    Luật thương mại năm 2005 của Việt Nam không quy định về khái niệm của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mà chỉ có định nghĩa về mua bán hàng hoá quốc tế tại điều 27 – Luật Thương mại 2005 như sau:

    Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. 

    Như vậy, hình thức cụ thể của việc mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm 5 hình thức:

    - Xuất khẩu;

    - Nhập khẩu;

    - Tạm nhập, tái xuất;

    - Tạm xuất, tái nhập;

    - Chuyển khẩu.

    Từ đó có thể suy luận rằng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam là văn bản thỏa thuận của các cá nhân, tổ chức trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Như vậy ở khái niệm này ta phải căn cứ vào tiêu chí  hàng hóa có được vận chuyển qua biên giới hay không.

    Hợp đồng xuất nhập khẩu : theo khái niệm trên, thì có thể thấy hợp đồng xuất nhập khẩu là một trường hợp của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều 28 Luật Thương mại 2005 định nghĩa :

    Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được xem là khu vực hải quan riêng theo qui định của pháp luật
    Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo qui định của pháp luật

    Hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài là thuật ngữ được qui định trong luật thương mại năm 1997 ( đã hết hiệu lực). Theo đó Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam với một bên là thương nhân nước ngoài.Như vậy ở khái niệm này ta phải xem xét quốc tịch của các bên.

    Hợp đồng mua bán ngoại thương : Theo Công ước Viên năm 1980: Hợp đồng ngoại thương là hợp đồng ký kết giữa các bên có quốc tịch khác nhau hoặc có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.( Đây chính là yếu tố quan trọng nhất của của hợp đồng ngoại thương).

    Như vậy có thể thấy, hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài cũng là một trường hợp của hợp đồng mua bán ngoại thương. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài và Hợp đồng mua bán ngoại thương là trong hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài thì một bên phải là thương nhân Việt Nam, còn bên kia là thương nhân nước ngoài. Còn trong hợp đồng mua bán ngoại thương, thì chỉ cần các bên có quốc tịch khác nhau, hoặc có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau là được. Tức là nếu cả hai bên đều là thương nhân nước ngoài mà có quốc tịch khác nhau kí kết hợp đồng, thì hợp đồng đó được xem là hợp đồng mua bán ngoại thương mà không phải là Hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài.

    9