Hợp đồng có hiệu lực không nếu được xác lập bởi người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật?
Nội dung chính
Hợp đồng có hiệu lực không nếu được xác lập bởi người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật?
Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình như sau: "Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”
Theo quy định trên thì giao dịch dân sự do người có năng lực hành vi dân sự xác lập vào thời điểm người đó không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì giao dịch đó có thể bị tuyên vô hiệu.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, ba của bạn khi bị ốm nặng, không còn tỉnh táo, thì chú bạn đã mang hợp đồng bán căn nhà do ba của bạn đứng tên để điểm chỉ vào hợp đồng bán nhà như vậy hợp đồng mua bán nhà có thể bị tuyên vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Do đó, bố bạn hoặc bạn (được ủy quyền từ bố bạn) có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Khi làm đơn khởi kiện tới Tòa án, bạn phải đưa ra được chứng cứ chứng minh tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, bố bạn đang bị ốm nặng, không nhận thức được hành vi như người làm chứng, hồ sơ bệnh án,... để có căn cứ tuyên hợp đồng mua bán nhà vô hiệu.
Khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng 2014 quy định quy định Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn như sau:
Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Như vậy, trong trường hợp ba của bạn vào thời điểm điểm chỉ vào hợp đồng mua bán nhà mà công chứng viên không xác minh về năng lực hành vi dân sự của ba bạn hoặc biết mà vẫn cố tình công chứng hợp đồng là vi phạm pháp luật, tùy từng tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 38 Luật Công chứng 2014 quy định Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng như sau:
1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong trường hợp này, bố bạn có thể kiện yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra trong quá trình công chứng hợp đồng.