Hình thức xử phạt đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu là gì?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Nếu tổ chức, cá nhân cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Hình thức xử phạt đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu là gì?

    Xử phạt hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu được quy định tại Điểm h Khoản 1 và Điểm a Khoản 4 Điều 30 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:

    1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ sau:
    h) Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu.
    4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc thu hồi các loại giấy tờ, hồ sơ đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;

    Liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về hồ sơ, trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu được quy định tại Điều 44 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT như sau:

    1. Nộp hồ sơ
    a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 43 của Thông tư này;
    b) Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy hoặc bản điện tử;
    c) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kiểm tra trong 01 ngày làm việc.
    Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng và xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu.
    Trường hợp hồ sơ không đầy đủ: Trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
    2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu gồm:
    a) Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIV ban hành kèm theo Thông tư này. Số lượng 02 bản.
    b) Bản sao chụp các giấy tờ sau:
    Hợp đồng mua bán;
    Giấy phép nhập khẩu (đối với thuốc bảo vệ thực vật quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật);
    Danh mục hàng hoá kèm theo (packing list): Ghi rõ số lượng đăng ký, mã hiệu của từng lô hàng (batch No.);
    Hoá đơn hàng hoá;
    Vận đơn (đối với trường hợp hàng hoá nhập theo đường không, đường biển hoặc đường sắt);
    Giấy chứng nhận chất lượng đối với trường hợp nhập khẩu thuốc xông hơi khử trùng.
    3. Thực hiện kiểm tra
    a) Kiểm tra và lấy mẫu kiểm tra
    Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu xuất trình tờ khai hàng hoá nhập khẩu, thông báo địa điểm và thời gian lấy mẫu:
    Trường hợp lô thuốc bảo vệ thực vật còn nguyên trạng và phù hợp với hồ sơ đã đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và tờ khai hàng hóa nhập khẩu thì tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành lấy mẫu, lập Biên bản lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục XXV ban hành kèm theo Thông tư này và lưu hồ sơ lô hàng. Thuốc xông hơi khử trùng chỉ kiểm tra hồ sơ, hiện trạng của lô hàng.
    Trường hợp lô thuốc bảo vệ thực vật không còn nguyên trạng và không phù hợp với hồ sơ đã đăng ký kiểm tra, tổ chức đánh giá sự phù hợp không lấy mẫu kiểm tra và lập biên bản về việc vi phạm qui định kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVIII của Thông tư này.
    b) Thông báo kết quả kiểm tra
    Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi lấy mẫu kiểm tra, tổ chức đánh giá sự phù hợp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVI ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp phải kéo dài thời gian kiểm tra thì tổ chức đánh giá sự phù hợp phải thông báo ngay cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu để thống nhất giải quyết.
    Trường hợp lô hàng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đạt chất lượng tổ chức đánh giá sự phù hợp phải thông báo ngay cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu biết đồng thời báo cáo với Cục Bảo vệ thực vật để ra quyết định xử lý.
    Trường hợp lô hàng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu buộc phải tái xuất, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải tái xuất trong thời hạn quy định tại quyết định xử lý của Cục Bảo vệ thực vật và gửi văn bản xác nhận của cơ quan hải quan (bản sao chụp) về cơ quan kiểm tra để lưu hồ sơ.
    c) Lưu hồ sơ
    Hồ sơ kiểm tra nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật phải được lưu trữ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày ban hành thông báo kết quả kiểm tra.

    Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, sẽ bị buộc thu hồi các loại giấy tờ, hồ sơ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đó.

    16
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ