Hình thức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn là gì từ 01 7 2025?
Nội dung chính
Hình thức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn là gì từ 01 7 2025?
Hình thức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn là gì? được căn cứ tại Điều 37 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 như sau:
Điều 37. Lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn
[...]
5. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cho ý kiến về sự bảo đảm phù hợp với yêu cầu về phát triển, kết nối hạ tầng kỹ thuật tỉnh và việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong nội dung quy hoạch.
6. Việc lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và chuyên gia có liên quan về quy hoạch được thực hiện theo hình thức gửi hồ sơ để đối tượng lấy ý kiến nghiên cứu, có ý kiến bằng văn bản. Các cơ quan, tổ chức và chuyên gia được yêu cầu cho ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.
7. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Hình thức lấy ý kiến được thực hiện bằng một, một số hoặc các hình thức sau: gửi hồ sơ, tài liệu để lấy ý kiến của người dân bằng văn bản; niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng để tiếp nhận ý kiến của người dân; hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;
b) Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 20 ngày và không quá 30 ngày kể từ ngày công khai nội dung lấy ý kiến. Trong trường hợp chưa hết thời gian lấy ý kiến mà đã nhận được đầy đủ ý kiến của cộng đồng dân cư thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện các bước tiếp theo;
c) Trình tự, thủ tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư được thực hiện theo quy định về việc Nhân dân tham gia ý kiến quy định tại pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
8. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trước khi trình thẩm định, trình phê duyệt. Nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình phải được công bố công khai, minh bạch.
Theo đó, hình thức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện bằng một, một số hoặc các hình thức sau:
- Gửi hồ sơ, tài liệu để lấy ý kiến của người dân bằng văn bản;
- Niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng để tiếp nhận ý kiến của người dân;
- Hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hình thức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn là gì? (Hình từ Internet)
Quy định về công bố quy hoạch đô thị và nông thôn như thế nào?
Tại Điều 50 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 quy định về công bố quy hoạch đô thị và nông thôn như sau:
(1) Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch đô thị và nông thôn được phê duyệt, nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai; đối với những nội dung thuộc bí mật nhà nước phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Nội dung, tài liệu công bố quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:
- Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (nếu có);
- Quyết định phê duyệt quy hoạch;
- Các bản vẽ quy hoạch;
- Thuyết minh quy hoạch;
- Quy định quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn.
(2) Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn tổ chức công bố công khai quy hoạch do mình tổ chức lập, trừ các trường hợp sau đây:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố công khai quy hoạch do Bộ Xây dựng tổ chức lập tại địa bàn do mình quản lý;
- Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổ chức công bố công khai quy hoạch do chủ đầu tư tổ chức lập.
(3) Quy hoạch đô thị và nông thôn phải được công bố tại trụ sở và đăng tải thường xuyên, liên tục trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch và kết hợp thực hiện theo một, một số hoặc các hình thức sau đây:
- Thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Trưng bày hệ thống bản vẽ quy hoạch đô thị và nông thôn; trưng bày mô hình (nếu có);
- Tổ chức hội nghị, hội thảo;
- Phát hành ấn phẩm.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.