Dựng cây nêu ngày Tết nguyên đán cần lưu ý khoảng cách với lưới điện ra sao?
Nội dung chính
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết nguyên đán
Dựng cây nêu ngày Tết nguyên đán là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt, mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa và tâm linh. Theo quan niệm dân gian, cây nêu được dựng lên nhằm xua đuổi ma quỷ và những điều không may mắn, đồng thời cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
Cây nêu thường được làm từ cây tre cao, chắc khỏe, đã được tước bỏ cành lá, chỉ để lại một ít lá ở ngọn. Trên ngọn cây, người ta treo nhiều vật phẩm mang tính biểu tượng như đèn lồng, chuông gió, bùa chú, cá chép bằng gỗ, cờ ngũ sắc... Mỗi vật phẩm đều mang ý nghĩa riêng, như chuông gió phát ra âm thanh leng keng để xua đuổi tà ma, cá chép tượng trưng cho ngũ hành và sự thăng tiến, cờ ngũ sắc biểu trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Theo truyền thống, lễ dựng cây nêu thường diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, sau lễ tiễn ông Công - ông Táo về trời, và được hạ xuống vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Việc dựng cây nêu không chỉ là nghi thức mang tính chất tín ngưỡng, mà còn là dịp để gia đình sum họp, cùng nhau trang trí và chuẩn bị đón Tết, thể hiện sự gắn kết và tình cảm gia đình.
Ngày nay, mặc dù xã hội phát triển và có nhiều thay đổi, nhưng phong tục dựng cây nêu ngày Tết vẫn được nhiều gia đình và cộng đồng duy trì, như một cách giữ gìn và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Việc tái hiện lễ dựng cây nêu tại các khu di tích, đình làng, phố cổ... cũng góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp của cha ông, đồng thời giới thiệu đến du khách quốc tế nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Dựng cây nêu ngày Tết nguyên đán cần lưu ý khoảng cách với lưới điện ra sao? (Hình từ Internet)
Dựng cây nêu ngày Tết nguyên đán cần lưu ý khoảng cách với lưới điện ra sao?
Căn cứ quy định khoản 6 Điều 68 Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025 như sau:
Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực
...
6. Cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực phải bảo đảm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Cây phát triển vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện phải được chủ sở hữu cây, người sử dụng đất kịp thời chặt tỉa phần vi phạm. Trường hợp cây phát triển vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố lưới điện thì tùy theo mức độ thiệt hại, chủ sở hữu cây, người sử dụng đất bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đơn vị điện lực có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức chặt tỉa cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện tại các khu vực chưa xác định được chủ sở hữu cây.
...
Theo đó, Các cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực cần duy trì khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Vì vậy, việc dựng cây nêu ngày Tết cũng cần tuân thủ khoảng cách này để đảm bảo an toàn cho đường dây dẫn điện trên không và ngăn ngừa những tai nạn không mong muốn.
Trước đó, tại khoản 4 Điều 51 Luật Điện lực 2004 có hiệu lực đến ngày 30/01/2025 quy định như sau:
Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
...
4. Cấm tiến hành mọi công việc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không nếu sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an ninh, phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết..
...
Thêm vào đó, theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 14/2014/NĐ-CP thì Khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp quy định tại Khoản 4 Điều 51 Luật điện lực 2024 là khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và được quy định trong bảng sau:
Điện áp | Đến 22 kV | 35 kV | 110kV | 220 kV | 500 kV |
Khoảng cách an toàn phóng điện | 4,0 m | 4,0 m | 6,0 m | 6,0 m | 8,0 m |
An toàn trong sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ được quy định ra sao?
An toàn trong sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ theo quy định tại Điều 74 Luật Điện lực 2024 như sau:
(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:
- Thiết kế, lắp đặt dây dẫn, thiết bị đóng cắt và thiết bị điện trong nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, dịch vụ phải bảo đảm chất lượng, an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xây dựng theo quy định của pháp luật và phù hợp với tổng nhu cầu sử dụng điện năng của người sử dụng;
- Lắp đặt đường dây dẫn điện từ công tơ đo đếm điện đến nhà ở, công trình, khu vực sử dụng điện bảo đảm chất lượng, an toàn và không gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải;
- Cung cấp thông tin về hệ thống điện trong nhà ở, công trình và nhu cầu sử dụng điện năng khi ký hợp đồng mua bán điện;
- Bảo đảm an toàn đối với hệ thống điện trong nhà ở, công trình do mình sở hữu hoặc quản lý, sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện không bảo đảm chất lượng. Khi xảy ra sự cố điện phải có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây cháy lan sang đồ vật, trang thiết bị khác trong nhà ở, công trình và kịp thời thông báo cho đơn vị bán điện và cơ quan chức năng tại địa phương;
- Phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra an toàn trong sử dụng điện.
(2) Đơn vị bán điện có trách nhiệm sau đây:
- Hướng dẫn việc lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện để bảo đảm an toàn; cung cấp cho khách hàng sử dụng điện thông tin về nguy cơ gây mất an toàn trong sử dụng điện và biện pháp bảo đảm an toàn điện;
- Ứng dụng công nghệ số trong việc thông tin cho khách hàng sử dụng điện về nguy cơ mất an toàn điện trong quá trình sử dụng điện;
- Định kỳ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho khách hàng sử dụng điện an toàn;
- Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị bán điện có trách nhiệm phối hợp kiểm tra an toàn hệ thống điện của khách hàng sử dụng điện, trường hợp phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn hoặc ngừng cung cấp điện theo quy định của pháp luật.
(3) Chính phủ quy định chi tiết.