Đối với các nhóm dữ liệu nền địa lý trong bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì nhóm lớp địa hình bao gồm những gì?

Đối với các nhóm dữ liệu nền địa lý trong bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì nhóm lớp địa hình bao gồm những gì? Báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất?

Nội dung chính

    Đối với các nhóm dữ liệu nền địa lý trong bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì nhóm lớp địa hình bao gồm những gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư 08/2024/TT-BTNMT như sau:

    Nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất
    ...
    3. Các nhóm lớp thuộc dữ liệu nền địa lý gồm:
    a) Nhóm lớp biên giới, địa giới gồm đường biên giới quốc gia và đường địa giới đơn vị hành chính các cấp. Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất cả nước thể hiện đến đường địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất các vùng kinh tế - xã hội thể hiện đến đường địa giới đơn vị hành chính cấp huyện. Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thể hiện đến đường địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
    Khi đường địa giới đơn vị hành chính các cấp trùng nhau thì biểu thị đường địa giới đơn vị hành chính cấp cao nhất;
    b) Nhóm lớp địa hình gồm các đối tượng để thể hiện đặc trưng cơ bản về địa hình của khu vực cần lập bản đồ như: đường bình độ (khu vực núi cao có độ dốc lớn chỉ biểu thị đường bình độ cái), điểm độ cao, điểm độ sâu, ghi chú độ cao, độ sâu; đường mô tả đặc trưng địa hình và các dạng địa hình đặc biệt;
    c) Nhóm lớp thủy hệ và các đối tượng có liên quan gồm: biển, hồ, ao, đầm, phá, thùng đào, sông, ngòi, kênh, rạch, suối và các đối tượng thủy văn khác. Mức độ thể hiện các đối tượng của nhóm lớp này trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp được tổng quát hóa theo tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp;
    d) Nhóm lớp giao thông và các đối tượng có liên quan: bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã thể hiện tất cả các loại đường giao thông các cấp, kể cả đường nội đồng, đường trục chính trong khu dân cư, đường mòn tại các xã miền núi, trung du. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện thể hiện từ đường liên xã trở lên, đối với khu vực miền núi phải thể hiện cả đường đất đến các thôn, bản. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh thể hiện từ đường liên huyện trở lên, đối với khu vực miền núi phải thể hiện cả đường liên xã. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất các vùng kinh tế - xã hội và cả nước thể hiện từ đường tỉnh lộ trở lên, đối với khu vực miền núi phải thể hiện cả đường liên huyện;
    đ) Nhóm lớp đối tượng kinh tế, xã hội thể hiện tên các địa danh, trụ sở cơ quan chính quyền các cấp; tên công trình hạ tầng và các công trình quan trọng khác. Mức độ thể hiện các đối tượng của nhóm lớp này trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp được tổng quát hóa theo tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp.

    Như vậy, nhóm lớp địa hình thuộc dữ liệu nền địa lý trong bản đồ hiện trạng sử dụng đất bao gồm các đối tượng để thể hiện đặc trưng cơ bản về địa hình của khu vực cần lập bản đồ như:

    (1) Đường bình độ (khu vực núi cao có độ dốc lớn chỉ biểu thị đường bình độ cái), điểm độ cao, điểm độ sâu, ghi chú độ cao, độ sâu.

    (2) Đường mô tả đặc trưng địa hình và các dạng địa hình đặc biệt.

    Đối với các nhóm dữ liệu nền địa lý trong bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì nhóm lớp địa hình bao gồm những gì? (Ảnh từ Internet)

    Đối với các nhóm dữ liệu nền địa lý trong bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì nhóm lớp địa hình bao gồm những gì? (Ảnh từ Internet)

    Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất có phải là nội dung quản lý nhà nước về đất đai không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Nội dung quản lý nhà nước về đất đai
    1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
    2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
    3. Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
    4. Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
    5. Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
    6. Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
    7. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
    8. Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
    9. Quản lý tài chính về đất đai.
    10. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
    11. Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
    12. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
    13. Thống kê, kiểm kê đất đai.
    14. Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
    15. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
    16. Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
    17. Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
    18. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

    Theo quy định trên, việc quản lý nhà nước về đất đai bao gồm 18 nội dung. Trong đó, việc đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất là một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đai.

    Báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 19 Thông tư 08/2024/TT-BTNMT quy định như sau:

    Báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất
    1. Căn cứ pháp lý; mục đích, yêu cầu của việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
    2. Khái quát về vị trí địa lý của đơn vị hành chính.
    3. Thời điểm xây dựng và hoàn thành việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
    4. Các nguồn tài liệu sử dụng và phương pháp, công nghệ lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
    5. Xác định khu vực đã đo đạc bản đồ địa chính chính quy.
    6. Đánh giá chất lượng bản đồ hiện trạng sử dụng đất về mức độ đầy đủ, chi tiết và độ chính xác của các yếu tố nội dung.
    7. Những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
    8. Kết luận, kiến nghị biện pháp khắc phục hạn chế, tồn tại.

    Như vậy, báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như trên.

    24