Doanh nghiệp không tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động có bị phạt?
Nội dung chính
Doanh nghiệp không tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động có bị phạt?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 Điều 8 Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH thì:
Người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất một (01) lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.
Khi có yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động, người sử dụng lao động đăng ký tài khoản và báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến trên trang thông tin điện tử.
Về hình thức xử lý đối với việc không tiến hành hoạt động tự kiểm tra pháp luật lao động:
Điều 13 Thông tư này xác định:
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành công tác tự kiểm tra và báo cáo theo quy định tại Thông tư này là cơ sở để cơ quan thanh tra nhà nước về lao động tiến hành thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm sau, đồng thời là tình tiết tăng nặng để quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, trong các quy định xử phạt vi phạm hành chính về lao động tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP không có quy định xử phạt về hành vi không tự kiểm tra pháp luật về lao động.
Kết hợp hai quy định này, ta thấy, trường hợp doanh nghiệp không tự kiểm tra pháp luật về lao động thì không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hành chính về các hành vi khác trong lĩnh vực lao động thì việc không tự kiểm tra pháp luật về lao động sẽ là tình tiết tăng nặng để quyết định mức phạt đối với hành vi vi phạm.
Trường hợp công ty không tự kiểm tra pháp luật về lao động, không thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ báo cáo nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý bằng các hình thức khác. Công ty bạn căn cứ quy định này để tuân thủ đúng.