10:30 - 08/01/2025

Doanh nghiệp bảo hiểm không tổ chức quản trị rủi ro có thể bị xử phạt như thế nào?

Doanh nghiệp bảo hiểm không tổ chức quản trị rủi ro có thể bị xử phạt như thế nào? Việc quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng những yêu cầu gì?

Nội dung chính

    Doanh nghiệp bảo hiểm không tổ chức quản trị rủi ro có thể bị xử phạt như thế nào?

    Ngày 30/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 174/2024/NĐ-CP về việc quy định về mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2025.

    Trong đó, khoản 1 Điều 33 Nghị định 174/2024/NĐ-CP quy định:

    Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ
    1. Phạt tiền doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về quản trị rủi ro:
    a) Không tổ chức quản trị rủi ro theo quy định của pháp luật;
    b) Không xây dựng các chính sách quản trị rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro theo quy định của pháp luật;
    c) Không thực hiện kiểm tra sức chịu đựng về vốn và khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật;
    d) Không gửi Bộ Tài chính báo cáo quản trị rủi ro theo quy định của pháp luật;
    đ) Báo cáo quản trị rủi ro không bảo đảm nội dung theo quy định của pháp luật.
    ...

    Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp bảo hiểm không tổ chức quản trị rủi ro có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

    Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 33 Nghị định 174/2024/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hành vi này còn có thể bị áp dụng biện pháp khắt phục hậu quả buộc thực hiện đúng quy định pháp luật đối với trường hợp vi phạm nêu trên.

    Lưu ý: theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 174/2024/NĐ-CP thì:

    - Mức xử phạt bằng tiền đối với hành vi này là mức xử phạt đối với tổ chức;

    - Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm;
    Doanh nghiệp bảo hiểm không tổ chức quản trị rủi ro có thể bị xử phạt như thế nào?

    Doanh nghiệp bảo hiểm không tổ chức quản trị rủi ro có thể bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

    Việc quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng những yêu cầu gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, việc quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng những yêu cầu như sau:

    (1) Có khả năng xác định và lượng hóa rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính;

    (2) Quy định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong hoạt động quản trị rủi ro và cơ cấu quản trị rủi ro;

    (3) Có chính sách quản trị rủi ro rõ ràng, minh bạch, trong đó xác định rõ các loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan phát sinh từ hoạt động kinh doanh, khẩu vị rủi ro và cách thức quản lý đối với từng loại rủi ro. Chính sách quản trị rủi ro phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm thông qua;

    (4) Thiết lập đầy đủ các giới hạn chấp nhận rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan, mối tương quan giữa các rủi ro đó. Các giới hạn chấp nhận rủi ro phải phù hợp với chính sách quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực, điều kiện công nghệ thông tin;

    (5) Thiết lập đầy đủ các quy trình quản trị rủi ro, trong đó có quy trình giám sát, tiếp nhận và phản hồi kịp thời bất kỳ thay đổi rủi ro nào.

    Nhà nước có những chính sách gì về phát triển kinh doanh bảo hiểm?

    Điều 5 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định:

    Chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm
    1. Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
    2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
    3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầu tư trở lại nền kinh tế, tái đầu tư, xây dựng thị trường bảo hiểm.
    4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội.

    Như vậy, Nhà nước có những chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo quy định trên. 

    24