Đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng? Cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì?

Đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng? Cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì? Người dân có được đốt pháo hoa vào ngày Rằm tháng Giêng không?

Nội dung chính

    Đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng? Cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì?

    Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào dịp này, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Việc chuẩn bị đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng cần được thực hiện chu đáo, thể hiện sự tôn trọng và tâm linh của gia chủ.

    Vào ngày Rằm tháng Giêng, gia chủ cần chuẩn bị một mâm cúng Phật, một mâm cúng gia tiên và dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, tránh làm đổ vỡ để thể hiện sự trang nghiêm, thành kính. Cách sắp xếp và chuẩn bị mâm cỗ cúng Phật và cúng gia tiên có sự khác biệt rõ rệt.

    Mâm cúng Phật thường là mâm chay với các món thanh đạm như hoa quả tươi, chè, xôi, các món làm từ đậu và đặc biệt là bánh trôi nước. Bánh trôi nước có ý nghĩa tượng trưng cho sự thuận lợi, hanh thông trong suốt cả năm. Ngoài ra, các món chay trong mâm cỗ cũng được lựa chọn dựa theo nguyên tắc ngũ hành, đảm bảo có đủ các màu sắc tượng trưng: món đỏ đại diện cho hành Hỏa, xanh tượng trưng cho hành Mộc, trắng thể hiện hành Thủy, đen thuộc về hành Thổ và vàng đại diện cho hành Kim.

    Đối với mâm cỗ mặn dâng lên tổ tiên trong ngày Rằm tháng Giêng, thông thường đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng sẽ gồm hương hoa, trầu cau, mâm ngũ quả với năm loại quả khác nhau, cùng một số lễ vật như thuốc lá, chè khô, rượu, nước, gạo, muối. Ngoài ra, mâm cỗ còn có bánh kẹo, xôi hoặc bánh chưng, gà luộc nguyên con và tiền vàng mã theo phong tục truyền thống.

    Mâm cúng gia tiên thường có bốn bát và sáu đĩa (hoặc nhiều hơn tùy vào phong tục từng nhà). Bốn bát có thể là bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc, còn sáu đĩa thường gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò chả, món xào hoặc nem thính, dưa muối, xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm đi kèm. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện gia đình và đặc trưng vùng miền, số lượng và loại món ăn có thể linh hoạt điều chỉnh.

    Một điểm quan trọng khi chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng Giêng là sự hài hòa về ý nghĩa của từng món ăn. Ví dụ, bánh chưng thể hiện sự sinh sôi, phát triển, trong khi dưa hành thuộc về phần Dương, còn thịt lợn tượng trưng cho phần Âm. Chính vì vậy, dù là mâm cúng lớn hay nhỏ, việc sắp xếp sao cho cân bằng Âm - Dương là điều mà gia chủ nên chú trọng để tạo sự hài hòa, mang lại may mắn, bình an cho cả gia đình.

    (Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo)

    Đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng? Cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì? (Ảnh từ Internet)

    Đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng? Cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì? (Ảnh từ Internet)

    Người dân có được đốt pháo hoa vào ngày Rằm tháng Giêng không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
    a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
    Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
    Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
    b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

    Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định hành vi sử dụng pháo nổ bị pháp luật nghiêm cấm; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

    Tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về việc sử dụng pháo hoa như sau:

    Sử dụng pháo hoa
    1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
    2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

    Như vậy, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể đốt pháo hoa vào ngày Rằm tháng Giêng.

    Lưu ý: khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    41
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ