Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định mới nhất là gì?

Để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, bạn cần đáp ứng những điều kiện gì về nhà ở và thu nhập? Quy trình vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội diễn ra như thế nào?

Nội dung chính

    Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định mới nhất là gì?

    Theo Điều 29 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm:

    (1) Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

    Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó thực hiện việc xác nhận đối với trường hợp quy định tại (1).

    (2) Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15 m2 sàn/người. Diện tích nhà ở bình quân đầu người quy định tại khoản này được xác định trên cơ sở bao gồm: người đứng đơn, vợ (chồng) của người đó, cha, mẹ (nếu có) và các con của người đó (nếu có) đăng ký thường trú tại căn nhà đó.

    Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận diện tích nhà ở bình quân đầu người, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc xác nhận đối với trường hợp quy định tại (2).

    Như vậy, để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, các đối tượng cần đáp ứng điều kiện cụ thể. Đầu tiên, những người chưa có nhà ở thuộc sở hữu riêng phải chứng minh rằng cả bản thân và vợ/chồng không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương nơi có dự án nhà ở xã hội. Thứ hai, trong trường hợp đã có nhà ở, nhưng diện tích bình quân đầu người dưới 15 m², thì cũng được xem xét hỗ trợ. Việc xác nhận các điều kiện này phải được thực hiện trong thời hạn 07 ngày, qua đó đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

    Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định mới nhất là gì? (Hình ảnh từ internet)

    Điều kiện về thu nhập để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là gì?

    Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì điều kiện về thu nhập để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm:

    (1) Đối với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như sau:

    - Trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.

    Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.

    - Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 01 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định tại khoản này nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

    (2) Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 không có Hợp đồng lao động, nếu là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc xác nhận điều kiện về thu nhập trong 01 năm liền kề tính từ thời điểm đối tượng quy định tại khoản này nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

    (3) Đối với đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 thì phải thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.

    (4) Đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 thì áp dụng điều kiện thu nhập theo quy định tại Điều 67 Nghị định 100/2024/ NĐ-CP.

    Như vây, để đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, các đối tượng phải đáp ứng các tiêu chí về thu nhập cụ thể. Đối với người độc thân, thu nhập hàng tháng không được vượt quá 15 triệu đồng, trong khi cặp vợ chồng có tổng thu nhập không quá 30 triệu đồng. Thời gian xác định thu nhập được tính trong vòng 01 năm trước khi nộp hồ sơ. Ngoài ra, những hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo cũng được xem xét hỗ trợ.

    Nguyên tắc thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội là gì?

    Theo quy định tại Điều 46 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì các nguyên tắc thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội bao gồm:

    - Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở thì chỉ được áp dụng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.

    - Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi thì chỉ áp dụng một chính sách vay vốn cho cả hộ gia đình.

    - Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện việc cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về tín dụng và pháp luật có liên quan.

    - Ngân hàng Chính sách xã hội được huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để cho các đối tượng này vay theo quy định tại khoản 1 Điều 48 và khoản 1 Điều 71 Nghị định 100/2024/NĐ-CP sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định theo thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội.

    Như vậy, nguyên tắc thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội bao gồm một số điểm quan trọng. Đầu tiên, nếu một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách vay ưu đãi, chỉ chính sách có mức hỗ trợ cao nhất sẽ được áp dụng. Thứ hai, đối với hộ gia đình có nhiều thành viên đủ điều kiện, chỉ một chính sách vay sẽ được áp dụng cho toàn hộ. Ngoài ra, việc cho vay ưu đãi sẽ được thực hiện bởi Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Cuối cùng, Ngân hàng Chính sách xã hội có thể huy động tiền gửi tiết kiệm từ các hộ gia đình, cá nhân để phục vụ cho việc cho vay, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở xã hội.

    13