Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Nội dung chính
Quy định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Nghị quyết 59/2024/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 được thông qua ngày 11/12/2024.
Theo đó, Nghị quyết 59/2024/UBTVQH15 Điều chỉnh những nội dung sau đây:
(1) Bổ sung dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.
(2) Bổ sung dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.
(3) Bổ sung dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (hình từ internet)
Tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 như thế nào?
Theo Nghị quyết 59/2024/UBTVQH15 chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 được tổ chức thực hiện bao gồm:
(1) Phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra và tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 tại phiên họp tháng 3/2025 bao gồm:
- Chính phủ trình Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 do Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì thẩm tra.
- Chính phủ trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Uỷ ban pháp luật chủ trì thẩm tra.
- Chính phủ trình Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân do Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra.
- Chính phủ trình Luật Báo chí (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì thẩm tra.
- Tòa án nhân dân tối cao trình Luật phá sản (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra.
(2) Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để chuẩn bị hồ sơ các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ, trong đó cần lưu ý tiếp tục hoàn thiện nội dung các chính sách, đánh giá tác động chính sách đầy đủ, nghiêm túc theo quy định;
Rà soát các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết;
Thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Căn cứ Điều 31 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như sau:
- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hằng năm trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
- Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp thứ nhất của năm trước.
Nghị quyết 59/2024/UBTVQH15 có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2024.