Để được mua nhà ở xã hội thì thu nhập hàng tháng bao nhiêu được xem là thu nhập thấp tại đô thị?

Khi mua nhà ở xã hội thì thu nhập hàng tháng bao nhiêu được xem là thu nhập thấp tại đô thị? Cách xác định thu nhập khi không có hợp đồng lao động để mua nhà ở xã hội

Nội dung chính

    Khi mua nhà ở xã hội thì thu nhập hàng tháng bao nhiêu được xem là thu nhập thấp tại đô thị?

    Theo quy định tại khoản 5 Điều 76 Luật Nhà ở 2023, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị nằm trong nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị được hỗ trợ mua nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023.

    Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, mức thu nhập tối đa để được xem là thu nhập thấp ở đô thị và đủ điều kiện mua nhà ở xã hội quy định như sau:

    Đối với người độc thân: Thu nhập hàng tháng thực nhận không vượt quá 15 triệu đồng, tính theo bảng lương do cơ quan, đơn vị hoặc doanh nghiệp nơi làm việc xác nhận.

    Đối với người đã kết hôn: Tổng thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng không vượt quá 30 triệu đồng, cũng theo bảng lương được xác nhận.

    Lưu ý: Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 01 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua nhà ở xã hội.

    Ví dụ: Chị A nộp hồ sơ hợp lệ để đăng ký mua nhà ở xã hội vào ngày 15/10/2024. Theo quy định, thời gian xác định điều kiện về thu nhập sẽ được tính trong khoảng 01 năm liền kề, tức là từ ngày 15/10/2023 đến ngày 14/10/2024.

    Như vậy, người độc thân với thu nhập dưới 15 triệu đồng hoặc người đã có gia đình có tổng thu nhập từ hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng mỗi tháng sẽ được coi là có thu nhập thấp và có thể đủ điều kiện để được mua nhà ở xã hội tại đô thị.

    Để được mua nhà ở xã hội thì thu nhập hàng tháng bao nhiêu được xem là thu nhập thấp tại đô thị?

    Thu nhập hàng tháng bao nhiêu thì được xem là thu nhập thấp tại đô thị để có thể mua nhà ở xã hội? (Hình từ Internet)

    Cách xác định thu nhập khi không có hợp đồng lao động để mua nhà ở xã hội

    Theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, nếu người đứng đơn hoặc vợ/chồng của người này không có hợp đồng lao động, việc xác định thu nhập để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội sẽ được thực hiện thông qua cơ quan chính quyền địa phương, cụ thể là Uỷ ban nhân dân cấp xã.

    Theo đó, nếu là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng.

    Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ xác nhận mức thu nhập dựa trên đơn đề nghị trong thời hạn tối đa là 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc xác nhận điều kiện về thu nhập của đối tượng này trong 01 năm liền kề tính từ thời điểm nộp hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua nhà ở xã hội.

    Như vậy, Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ dựa vào đơn đề nghị xác nhận thu nhập để tiến hành xác nhận thu nhập trong trường hợp người đứng đơn hoặc vợ (chồng) của người đứng đơn không có hợp đồng lao động để chứng minh thu nhập.

    Người có thu nhập thấp tại đô thị cần phải đáp ứng những điều kiện gì để mua nhà ở xã hội?

    Theo Điều 78 Luật Nhà ở 2023 và Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, để được mua nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp tại đô thị cần phải đáp ứng những điều kiện về nhà ở và thu nhập. Điều kiện về thu nhập thì như đã phân tích ở trên, điều kiện về nhà ở như sau:

    - Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó.

    - Chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội

    - Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố nơi có dự án xây dựng nhà ở xã hội

    - Có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15m2 sàn/người. Diện tích nhà ở bình quân đầu người quy định tại khoản này được xác định trên cơ sở bao gồm: người đứng đơn, vợ (chồng) của người đó, cha, mẹ (nếu có) và các con của người đó (nếu có) đăng ký thường trú tại căn nhà đó.

    Ví dụ: Chị D sống cùng bố mẹ và em trai tại một căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh diện tích căn hộ của họ là 40m². Gia đình chị có 4 người, nên diện tích trung bình là 10m²/người, thấp hơn quy định 15m²/người nên đủ điều kiện để đăng ký mua nhà ở xã hội trong thành phố này.

     

    17