Đề án tuyển sinh FTU 2025? Lưu ý đối với đề án tuyển sinh FTU 2025 là gì?
Nội dung chính
Đề án tuyển sinh FTU 2025? Lưu ý đối với đề án tuyển sinh FTU 2025 là gì?
Ngày 22 tháng 01 năm 2025, Trường Đại học Ngoại thương Thông báo các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 theo Thông báo số 51/TB-ĐHNT.
Theo đó, Trường Đại học Ngoại thương Thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 theo 04 phương thức sau:
(1) Xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường.
(2) Xét tuyển có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
(3) Xét tuyển sử dụng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế.
(4) Xét tuyển thẳng theo quy chế.
Trường Đại học Ngoại thương Thông tin chung về phương án tuyển sinh (Đề án tuyển sinh FTU 2025) như sau:
- Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Ngoại thương năm 2025 là 4.150 chỉ tiêu bao gồm Trụ sở chính Hà Nội, Cơ sở II - Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ sở Quảng Ninh.
- Thời gian xét tuyển của nhà trường thực hiện theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Giữ ổn định các tổ hợp môn xét tuyển như năm 2024. Trong trường hợp Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự điều chỉnh, Nhà trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với quy định của Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025.
Lưu ý đối với đề án tuyển sinh FTU 2025:
- Các ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của các nhóm đối tượng xét tuyển có thể điều chỉnh cho phù hợp với quy định và điều kiện thực tế. Nội dung chi tiết quy định của các phương thức xét tuyển sẽ được cụ thể hoá trong Đề án Tuyển sinh năm 2025, được công bố sau khi Quy chế Tuyển sinh Đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Trong trường hợp Quy chế Tuyển sinh Đại học năm 2025 có những điều chỉnh dẫn đến sự ảnh hưởng tới các phương thức tuyển sinh của nhà trường, trường Đại học Ngoại thương sẽ có điều chỉnh kịp thời để phù hợp với Quy chế và đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Đề án tuyển sinh FTU 2025? Lưu ý đối với đề án tuyển sinh FTU 2025 là gì? (Hình từ Internet)
Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học bao gồm những gì?
Căn cứ vào Điều 12 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, theo đó Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học bao gồm:
(1) Phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
(2) Phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác.
Ưu tiên, ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và chính sách khác để phát triển giáo dục đại học.
(3) Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học.
(4) Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.
(5) Có chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình.
(6) Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
(7) Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong cơ sở giáo dục đại học.
(8) Ưu tiên đối với người được hưởng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người học ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.
(9) Khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.