Đẩy nhanh triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Nội dung chính
Mục tiêu trong năm 2025 trong việc thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế?
Ngày 09/12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch 447/KH-UBND đẩy nhanh triển khai thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 về việc triển khai thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành 03 nhiệm vụ như sau:
(1) Hỗ trợ nhà ở cho người có công;
(2) Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các Chương trình mục tiêu quốc gia;
(3) Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên.
Đồng thời, tại tiểu mục 2 Mục I Kế hoạch 447/KH-UBND nêu quan điểm như sau:
- Xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xoá nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế phải có quyết tâm và xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương các cấp là đơn vị quyết định sự thành công của chương trình; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; Rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi địa phương quản lý.
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp. Đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
- Đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo đời sống vất chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đẩy nhanh triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025 tại tỉnh Thừa Thiên Huế (hình từ internet)
Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế?
Căn cứ Mục III Kế hoạch 447/KH-UBND về nội dung hỗ trợ ở tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:
(1) Đối tượng được hỗ trợ nhà ở
- Hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và Biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và khoản 1 Điều 2 Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025;
- Đối tượng hỗ trợ nhà ở thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các văn bản pháp quy liên quan;
- Hộ đủ điều kiện để hỗ trợ xây mới, sửa chữa về nhà ở theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trường hợp không có hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và bhộ có hoàn cảnh khó khăn khác đang ở nhà tạm, nhà dột nát hoặc chưa có nhà ở.
(5) Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn tại Khoản 1, Mục IV, Thông báo số 523/TB/VPCP ngày 16/11/2024 của Văn phòng Chính phủ
(2) Điều kiện được hỗ trợ
- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác. Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ khác thì hiện nay nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ.
- Về đất xây dựng nhà ở thống nhất chủ trương hỗ trợ nhà ở trên đất ở không có tranh chấp, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định theo phân cấp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, Mức hỗ trợ được quy định như sau:
- Hỗ trợ xây dựng mới nhà ở: 60 triệu đồng/hộ gia đình.
- Hỗ trợ sửa chữa nhà ở: 30 triệu đồng/hộ gia đình.
Như vậy, quy định trên bao gồm đối tượng được hỗ trợ nhà ở, điều kiện được hỗ trợ và mức hỗ trợ đối với nhà ở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kế hoạch 447/KH-UBNDcó hiệu lực từ ngày 09/12/2024.