Đầu tư kinh doanh là gì? Chính sách và những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh?

Đầu tư kinh doanh là gì? Chính sách và những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm những ngành nghề nào? Mong sớm nhận hồi đáp.

Nội dung chính

    Khái niệm về đầu tư kinh doanh

    Tại Khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, có quy định:

    Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.

    Quy định về chính sách về đầu tư kinh doanh

    Tại Điều 5 Luật Đầu tư 2020, có quy định:

    Điều 5. Chính sách về đầu tư kinh doanh
    1. Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
    2. Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
    3. Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
    4. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
    5. Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
    6. Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    Những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

    Tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, có quy định:

    1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
    a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
    b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
    c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
    d) Kinh doanh mại dâm;
    đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
    e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
    g) Kinh doanh pháo nổ;
    h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
    2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
    17