Danh sách 16 công văn hướng dẫn liên quan đến thanh tra, kiểm tra và xác minh trong quá trình hoàn thuế GTGT bao gồm những công văn nào?
Nội dung chính
Danh sách 16 Công văn hướng dẫn về thanh tra kiểm tra và xác minh liên quan đến quá trình hoàn thuế GTGT?
Ngày 09/11/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5004/TCT-TTKT năm 2023 về việc thực hiện thanh tra kiểm tra hoàn thuế GTGT nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ cũng như giải quyết công việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ của công chức, cơ quan thuế trong công tác thanh tra kiểm tra hoàn thuế GTGT.
Tại Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 5004/TCT-TTKT năm 2023 có quy định danh sách 16 Công văn hướng dẫn về thanh tra kiểm tra và xác minh liên quan đến quá trình hoàn thuế GTGT bao gồm:
STT | Số hiệu | Ngày | Trích yếu |
1 | 2124/TCT-TTKT | 22/5/2020 | V/v giải quyết hoàn thuế |
2 | 2928/TCT-TTKT | 22/7/2020 | V/v thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT |
3 | 3846/TCT-TTKT | 15/9/2020 | V/v hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm |
4 | 429/TCT-TTKT | 22/02/2021 | V/v hoàn thuế GTGT có rủi ro cao |
5 | 776/TCT-TTKT | 22/3/2021 | V/v thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT theo chuyên đề đối với mặt hàng gỗ dăm, linh kiện điện tử, máy tính |
6 | 1284/TCT-TTKT | 28/4/2021 | V/v thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ dăm, linh kiện điện tử, máy tính, cafe, bún, phở... |
7 | 1564/TCT-TTKT | 18/4/2021 | V/v tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT |
8 | 55/TCT-TTKT | 20/5/2021 | V/v rà soát thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng cao su, sắn lát, nông sản |
9 | 2495/TCT-TTKT | 08/7/2021 | V/v hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn |
10 | 3534/TCT-TTKT | 16/9/2021 | V/v tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT |
11 | 63 2/T CT-TTKT | 07/3/2022 | V/v hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn |
12 | 633/TCT-TTKT | 07/3/2022 | V/v thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế GTGT |
13 | 1043/TCT-TTKT | 07/4/2022 | V/v tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế GTGT |
14 | 1477/TCT-TTKT | 09/5/2022 | V/v chấn chỉnh công tác quản lý hoá đơn và hoàn thuế GTGT |
15 | 1873/TCT-TTKT | 01/6/2022 | V/v tăng cường rà soát kiểm tra phát hiện NNT có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT |
16 | 3311/TCT-TTKT | 08/9/2022 | V/v hoàn thuế GTGT mặt hàng điện thoại di động |
Việc thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT phải đảm bảo các nguyên tắc gì?
Tại Mục 1 Công văn 5004/TCT-TTKT năm 2023 có quy định việc thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác hoàn thuế GTGT thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức về kỷ cương, kỷ luật của ngành; quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT.
- Áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy trình nghiệp vụ và các bộ tiêu chí, chỉ số rủi ro có liên quan. Việc đánh giá, phân tích rủi ro về thuế và hóa đơn phải căn cứ vào từng hồ sơ cụ thể và thực tiễn công tác quản lý thuế trên địa bàn để triển khai thực hiện.
- Công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật.
- Cục Thuế phân công nhiệm vụ, giao nhiệm vụ kiểm tra sau hoàn thuế một cách cụ thể, rõ ràng đến từng bộ phận.
Danh sách 16 Công văn hướng dẫn về thanh tra kiểm tra và xác minh liên quan đến quá trình hoàn thuế GTGT? (Hình từ Internet)
Công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT bao gồm những nội dung gì?
Theo Mục 2 Công văn 5004/TCT-TTKT năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT bao gồm những nội dung sau:
- Đẩy mạnh rà soát tổng hợp thông tin hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin cơ sở dữ liệu đánh giá rủi ro về quản lý thuế, quản lý hóa đơn... kịp thời thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
- Đối với các hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế, Cục Thuế tổ chức thực hiện phân công, triển khai việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế ngay khi tiếp nhận hồ sơ. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát sinh lý do bất khả kháng, không thể tiếp tục thực hiện kiểm tra thì Trưởng đoàn kiểm tra báo cáo người ban hành Quyết định kiểm tra để tạm dừng kiểm tra.
- Quá thời gian giải quyết hoàn thuế mà chưa có kết quả trả lời từ phía cơ quan chức năng, Cục Thuế có văn bản đôn đốc, đề nghị cơ quan chức năng có ý kiến về lý do của việc chưa cung cấp được thông tin; thực hiện kết thúc thanh tra, kiểm tra đúng thời hạn và giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Trường hợp doanh nghiệp thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT đã được phê duyệt có hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn, Cục Thuế ưu tiên thực hiện công tác kiểm tra hồ sơ đề nghị hoàn thuế, bố trí sắp xếp nguồn lực triển khai kế hoạch phù hợp với quy định về thanh tra, kiểm tra thuế, quy định về giải quyết hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công tác xác minh khi thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT được dựa theo các căn cứ nào?
Căn cứ theo Mục 3 Công văn 5004/TCT-TTKT năm 2023, khi thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, công tác xác minh được dựa theo các căn cứ sau:
- Công tác xác minh phải căn cứ trên các dấu hiệu rủi ro cụ thể về thuế theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế. Đề xuất xác minh phải có phân tích, đánh giá cụ thể dựa trên các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn do cơ quan thuế thu thập hoặc tiếp nhận từ bên thứ ba. Phạm vi đề xuất xác minh cần căn cứ các quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ để đánh giá đúng trách nhiệm của người nộp thuế trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn cũng như kê khai, xác định các nghĩa vụ thuế có liên quan.
- Việc kiểm tra, xác minh phải được thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo thời gian giải quyết đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế. Trường hợp việc xác minh, kiểm tra cho thấy dấu hiệu vi phạm của các đối tượng mua bán hàng hóa ở các khâu trước đó, Cục Thuế thực hiện xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với người nộp thuế vi phạm.
- Cần chú trọng sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử để rút ngắn thời gian và nhanh chóng xác định đúng đối tượng cần xác minh.