Danh sách 11 tỉnh thành không sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến

Danh sách 11 tỉnh thành không sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến? Mục đích và yêu cầu của Kết luận 127-KL/TW năm 2025 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là gì?

Nội dung chính

    Danh sách 11 tỉnh thành không sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến

    Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có tổng cộng 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính, tức là vẫn giữ nguyên hiện trạng.

    Theo đó, danh sách 11 tỉnh thành không sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến bao gồm: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong khi đó, 52 địa phương còn lại sẽ phải thực hiện việc sắp xếp theo quy định.

    Việc xác định các tỉnh, thành phố không phải sáp nhập dựa trên nhiều tiêu chí như diện tích tự nhiên, quy mô dân số, lịch sử, văn hóa, truyền thống, dân tộc, địa chính trị, địa kinh tế, quốc phòng và an ninh. Theo Nghị quyết số 1211 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2022), đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng ba tiêu chuẩn chính về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện. Tỉnh miền núi, vùng cao cần có diện tích từ 8.000 km² trở lên, dân số tối thiểu 0,9 triệu người. Các tỉnh khác phải đạt diện tích 5.000 km² và dân số 1,4 triệu người. Thành phố trực thuộc Trung ương cần có diện tích từ 1.500 km² và dân số tối thiểu một triệu người. Đồng thời, tất cả các tỉnh, thành phố đều phải có ít nhất 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

    Những địa phương chưa đạt đủ tiêu chuẩn trên sẽ phải tiến hành sắp xếp, sáp nhập để đảm bảo phù hợp với tiêu chí chung. Việc sáp nhập sẽ tuân thủ nguyên tắc tương đồng về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, cũng như các yếu tố địa lý, kinh tế và giao thông, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương sau khi tái cấu trúc. Bên cạnh đó, yếu tố quốc phòng, an ninh cũng được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với các địa phương có vị trí trọng yếu như khu vực biên giới và hải đảo.

    Ngoài các tỉnh thuộc diện phải sắp xếp, dự thảo Nghị quyết cũng xác định một số trường hợp không thực hiện sáp nhập, bao gồm những địa phương có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông hoặc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Những địa phương này sẽ tiếp tục duy trì mô hình đơn vị hành chính hiện tại để đảm bảo ổn định về mọi mặt.

    Với việc duy trì nguyên trạng 11 tỉnh, thành phố như trên, chính quyền các địa phương này sẽ tiếp tục tập trung vào công tác phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và cải thiện đời sống của người dân, đồng thời đảm bảo giữ vững các tiêu chí theo yêu cầu của Trung ương. Trong khi đó, các địa phương thuộc diện sắp xếp sẽ từng bước triển khai lộ trình phù hợp để hoàn thành công tác sáp nhập theo đúng quy định.

    Danh sách 11 tỉnh thành không sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến

    Danh sách 11 tỉnh thành không sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến (Hình từ Internet)

    Mục đích và yêu cầu của Kết luận 127-KL/TW năm 2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là gì?

    Căn cứ tại Mục I Kết luận 127-KL/TW năm 2025 quy định về Mục đích và yêu cầu về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như sau:

    - Bảo đảm các nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu theo các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18.

    - Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc nghiên cứu phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tổ chức trung gian cồng kềnh; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

    - Xác định quyết tâm chính trị cao nhất, triển khai thực hiện theo phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng" để hoàn thành công việc với khối lượng rất lớn, đòi hỏi cao về chất lượng, tiến độ để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào trung tuần tháng 4/2025.

    - Các cấp ủy, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện. Quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

    - Tập trung quán triệt, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, chủ động tham gia các nội dung, nhiệm vụ liên quan, nhất là quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    saved-content
    unsaved-content
    77