Công ty phá sản thì có còn nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động không?
Nội dung chính
Công ty phá sản có trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ không?
Anh chị cho em hỏi trường hợp công ty phá sản thì ngoài tiền lương, BH thì công ty có trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ không ạ. Nếu có thì trợ cấp khoảng bao nhiêu tháng. Vì công ty trước đó không hề có quy chế hoặc thỏa ước tập thể gì cả.
Trả lời:
Khi công ty phá sản thì hai bên sẽ chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019).
Và theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản...
Ngoài ra theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 thì:
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định này thì khi phá sản công ty có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Cũng lưu ý thêm: Thứ tự phân chia tài sản sẽ thực hiện theo Điều 54 Luật Phá sản 2014. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Công ty phá sản thì có còn nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động không? (Hình từ Internet)
Người nước ngoài nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc?
Người nước ngoài không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp nên sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc khi thôi việc đúng không ạ?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 43, Khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013 thì người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xác định là người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, đồng thời đang làm việc theo các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động.
=> Theo quy định này, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 về trợ cấp thôi việc thì:
Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
Kết hợp hai quy định trên, trường hợp người lao động nước ngoài nghỉ việc thuộc các trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì công ty bên bạn phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
8 năm làm việc hưởng trợ cấp thôi việc thế nào?
Tôi đi làm từ năm 2001 tới nay tôi nghỉ việc (thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ), không đi làm ở đâu nữa. Tôi bắt đầu tham gia BHXH, BHTN, TN,... bắt buộc từ 2009 đến nay. Nghe nói khoảng thời gian từ 2001 đến 2009 tôi sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Không biết có đúng không? Nếu có thì được bao nhiêu tiền.
Trả lời:
Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019.
Điều 46 cũng quy định:
Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Theo quy định thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đến năm 2009 bạn mới bắt đầu tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho nên khoảng thời gian làm việc từ 2001 đến hết năm 2008 (08 năm) bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.
Căn cứ quy định trên thì trường hợp này bạn sẽ được nhận trợ cấp thôi việc bằng 04 tháng tiền lương (tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi bạn thôi việc).
Bạn căn cứ quy định trên và xác định tiền lương để tính trợ cấp thôi việc cụ thể để biết mình sẽ được hưởng bao nhiêu tiền trợ cấp thôi việc.
Trân trọng!