Con có quốc tịch nước ngoài được hưởng thừa kế đất tại Việt Nam khi mẹ qua đời không?

Con có quốc tịch nước ngoài có quyền thừa kế đất khi mẹ qua đời không? Con có quốc tịch nước ngoài có quyền thừa kế đất đồng thời sẽ có quyền sở hữu với đất?

Nội dung chính

    Con có quốc tịch nước ngoài có quyền thừa kế đất khi mẹ qua đời không?

    Trong bối cảnh Việt Nam, đất đai là tài sản có giá trị lớn và có những quy định pháp lý chặt chẽ liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng đất. Khi người sở hữu đất qua đời, việc thừa kế đất đai không chỉ ảnh hưởng đến người trong nước mà còn liên quan đến các cá nhân nước ngoài, nhất là trong các trường hợp có sự tham gia của người có quốc tịch nước ngoài là người thừa kế.

    (1) Thừa kế theo di chúc

    Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết qua hình thức văn bản hoặc di chúc miệng. 

    Theo đó, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho người thừa kế, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế,chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. (Điều 631 Bộ Luật Dân sự 2015)

    Với nguyên tắc này, di chúc không phân biệt quốc tịch của người thừa kế. Điều này có nghĩa là người lập di chúc có quyền tự do chỉ định ai sẽ thừa kế tài sản, không quan trọng người thừa kế là công dân Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài. Do đó, nếu người lập di chúc chỉ định con có quốc tịch nước ngoài thừa kế tài sản (bao gồm đất đai), người thừa kế vẫn hoàn toàn có quyền thừa kế tài sản theo nội dung di chúc, miễn là điều này không vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam.

    (2) Thừa kế theo pháp luật

    Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thừa kế theo pháp luật sẽ áp dụng trong các trường hợp sau:

    - Không có di chúc;

    - Di chúc không hợp pháp;

    - Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

    - Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Ngoài ra đối với những phần di sản sau đây sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật:

    - Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

    - Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

    - Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ thừa kế theo pháp luật chính là thừa kế theo hàng thừa kế. Đối chiếu với điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo đó, pháp luật quy định con đẻ thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được ưu tiên hưởng thừa kế di sản của người chết khi áp dụng chia thừa kế theo pháp luật. 

    Khi áp dụng thừa kế theo pháp luật, quyền thừa kế của con đẻ không phân biệt quốc tịch, nghĩa là dù người thừa kế là công dân Việt Nam hay con có quốc tịch nước ngoài, nếu là con đẻ của người đã qua đời, họ đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này đảm bảo quyền lợi của con đẻ, giúp họ có thể nhận thừa kế tài sản của cha mẹ dù có sự khác biệt về quốc tịch.

    Như vậy, nếu mẹ không để lại di chúc con là người nước ngoài vẫn có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.

    Lưu ý: Con là người nước ngoài phải không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn sẽ được quyền hưởng di sản.

    Như đã được chỉ rõ trong các (1) và (2) việc con có quốc tịch nước ngoài không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của con đối với tài sản thừa kế. Điều này có nghĩa là, dù con có quốc tịch nước ngoài, quyền lợi của con trong việc nhận di sản vẫn được công nhận và bảo vệ theo pháp luật của Việt Nam, nơi có di sản thừa kế.

    Con có quốc tịch nước ngoài được hưởng thừa kế đất tại Việt Nam khi mẹ qua đời không?

    Con có quốc tịch nước ngoài được hưởng thừa kế đất tại Việt Nam khi mẹ qua đời không? (Hình từ Internet)

    Con có quốc tịch nước ngoài có quyền thừa kế đất đồng thời sẽ có quyền sở hữu với đất?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai 2024 trường hợp người nhận thừa kế là người có quốc tịch nước ngoài sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Điều này có nghĩa là, mặc dù là người thừa kế hợp pháp theo pháp luật hay theo nội dung di chúc, dù được hưởng quyền thừa kế đối với tài sản là quyền sử dụng đất, nhưng vì con có quốc tịch nước ngoài, con sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Theo đó, con là người nước ngoài chỉ đơn thuần là người thừa kế tài sản, không có quyền sở hữu chính thức đối với mảnh đất và tài sản gắn liền với đất đó.

    Tuy nhiên, việc không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có nghĩa là quyền thừa kế của con có quốc tịch nước ngoài bị mất hiệu lực hoàn toàn. Con có quốc tịch nước ngoài vẫn có thể thừa kế tài sản, nhưng quyền sử dụng đất sẽ phải được thực hiện thông qua các hình thức khác.

    Con có quốc tịch nước ngoài khi nhận thừa kế đất có những quyền gì đối với đất đó?

    Tại khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai 2024 tuy con có quốc tịch nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng con có quốc tịch nước ngoài lúc này sẽ có quyền chuyển nhượng hoặc được tặng cho đất mà mình thừa kế theo các quy định sau:

    - Nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người nhận thừa kế;

    - Nếu tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2024 này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

    - Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

    Mặc dù con có quốc tịch nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn có quyền thực hiện các giao dịch chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất đã thừa kế theo đúng các quy định của pháp luật. Điều này tạo ra một cơ chế linh hoạt để bảo vệ quyền lợi của người thừa kế là người có quốc tịch nước ngoài, đồng thời đảm bảo các giao dịch đất đai vẫn diễn ra hợp pháp và theo đúng quy định

     

    17