Cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách trung ương?

Cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách trung ương? Cơ quan quyết định đối tượng được mua nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn ngân sách trung ương?

Nội dung chính

    Cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách trung ương?

    Căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công
    1. Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương; nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý.
    2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua hoặc đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. Đối với nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này do Bộ Quốc phòng đang quản lý cho thuê thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu nhà ở, trừ trường hợp chuyển giao nhà ở này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật.
    3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương khác (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương) là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc cơ quan đó đang quản lý.
    ...

    Như vậy, Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương

    Cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách trung ương?

    Cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách trung ương? (Ảnh từ Internet)

    Cơ quan nào quyết định đối tượng được mua nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn ngân sách trung ương?

    Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 15 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công
    1. Đối với nhà ở thuộc tài sản công được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Luật này, đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có trách nhiệm sau đây:
    a) Quyết định đối tượng được thuê nhà ở công vụ, được thuê, chuyển quyền thuê, mua nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này; quyết định đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; quyết định đối tượng được bố trí nhà ở phục vụ tái định cư;
    ...

    Dẫn chiếu đến điểm a khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Nguồn vốn của Nhà nước để phát triển nhà ở
    1. Nguồn vốn của Nhà nước để phát triển nhà ở bao gồm:
    a) Vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
    ...

    Đồng thời tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 quy định:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    22. Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
    ...

    Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước 2015 thì vốn ngân sách nhà nước gồm gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

    Như vậy, theo các quy định nêu trên thì đại diện chủ sở hữu nhà ở được quyết định đối tượng nào được mua nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn ngân sách trung ương

    Mà theo bài viết đã nêu, Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương

    Do đó, Bộ Xây dựng là cơ quan quyết định đối tượng nào được mua nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn ngân sách trung ương.

    Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là gì?

    Căn cứ Điều 79 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
    1. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
    a) Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở;
    b) Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;
    c) Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    d) Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
    đ) Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trước đối với: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới;
    e) Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn.
    3. Quy định tại Mục 2 Chương này không áp dụng cho việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, việc phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, trừ trường hợp các mục 3, 4 và 5 Chương này có quy định dẫn chiếu áp dụng quy định tại Mục 2 Chương này.

    Như vậy, nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được quy định như trên.

    25